Những tín hiệu thị trường không còn được tích cực như nửa đầu năm. Lạm phát gia tăng đang làm giảm sức mua tại các thị trường, nhất là tại các thị trường Mỹ, Bỉ, Israel, Ai Cập thậm chí ở cả các thị trường vốn có lợi thế về thuế quan CPTPP hoặc lợi thế về địa lý.
Cụ thể, XK cá ngừ sang Mỹ giảm gần 6% trong tháng 10, xuống còn gần 31 triệu USD. Sau khi đạt đỉnh vào tháng 4, giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ giảm liên tục qua từng tháng cho đến nay. Lạm phát tại Mỹ đã giảm, tuy nhiên vẫn ở mức cao trong vòng 40 năm qua. Do đó, giá thực phẩm vẫn ở mức đắt đỏ vì thế đã kìm hãm sức mua của thị trường này trong những tháng cuối năm.
Trong khi đó, XK cá ngừ sang EU trong tháng 10 đạt mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay, đạt gần 19 triệu USD, tăng 22% so với tháng 10/2021. Giá trị XK sang khối thị trường này trong 3 tháng trở lại đây tăng trưởng liên tục.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, XK cá ngừ sang Bỉ sau khi tăng mạnh trong tháng 9 đã giảm trong tháng 10 (giảm 13%). Trong khi đó, XK cá ngừ sang Tây Ban Nha lại có xu hướng tăng 33%, XK sang Đức tăng 10% so với tháng 10/2021.
Việc giới chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phát tín hiệu cứng rắn về chính sách tiền tệ đã giúp đồng Euro tăng giá, làm tăng sức mua của ngành cá ngừ châu Âu. Điều này khiến cho cá ngừ đóng hộp và loin cá ngừ hấp NK từ các nước vào EU rẻ hơn. Hiện tại, các nhà NK cá ngừ EU đang tiến hành ký kết các đơn hàng sẽ được giao đầu năm 2023 để được miễn thuế theo hạn ngạch thuế quan tự trị (ATQ).
Theo VASEP, dù đang ở những tháng cuối năm, nhưng với tình hình lạm phát tại các nước như hiện nay, XK cá ngừ khó giữ được đà tăng trưởng. Tuy nhiên, dự kiến giá trị XK cá ngừ đến cuối năm vẫn sẽ cán đích 1 tỷ USD.