Xuất hiện chiêu thức tinh vi trong đấu giá tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không bán hồ sơ đấu giá, thông đồng, dìm giá, dùng “xã hội đen” để đe dọa, cưỡng ép người tham gia đấu giá là những hành vi tiêu cực trong hoạt động đấu giá đã tồn tại bấy lâu nhưng vẫn chưa có cách xử lý triệt để. Gần đây lại xuất hiện chiêu thức tinh vi hơn, đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này.
Những tiêu cực trong đấu giá tài sản thường xảy ra ngấm ngầm và có xu hướng ngày càng tinh vi, phức tạp. Ảnh minh họa: Internet
Những tiêu cực trong đấu giá tài sản thường xảy ra ngấm ngầm và có xu hướng ngày càng tinh vi, phức tạp. Ảnh minh họa: Internet

Từ khi Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) có hiệu lực, hoạt động bán ĐGTS tại nhiều địa phương đã dần đi vào nề nếp, phần nào bảo đảm tính trung thực, khách quan, công khai, minh bạch. Song, đâu đó vẫn còn những tiêu cực trong hoạt động bán đấu giá.

Qua vụ việc băng nhóm Đường “Nhuệ” bị khởi tố và bắt giam, cơ quan chức năng đã làm sáng tỏ nhiều chiêu thức mà các đối tượng “xã hội đen” sử dụng nhằm chi phối các phiên đấu giá đất. Cụ thể, trước, trong và sau mỗi cuộc đấu giá, vợ chồng Đường “Nhuệ” thường dẫn theo vài chục đàn em xăm trổ kín người đến thị uy tại các cuộc đấu giá, khống chế, đe dọa người mua hồ sơ đấu giá, cho người ngồi cùng người đấu giá để ép họ bỏ giá theo mục đích của chúng, hoặc đứng ra đàm phán để họ bỏ giá thấp…

Trong khi chưa có hướng khắc phục triệt để các chiêu thức nêu trên, thì gần đây xuất hiện chiêu thức lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để thực hiện bán đấu giá thiếu công khai, minh bạch, có nguy cơ làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Ông N.Q.T - một người có thâm niên nhiều năm tham gia mua các tài sản đấu giá cho biết, đầu năm 2021, một chủ tài sản nhà nước tại Hà Nội bán đấu giá lô tài sản là 45 xe ô tô và 52 xe mô tô - tài sản đã tháo hút xăng dầu, tháo dỡ các thiết bị nghiệp vụ, làm mất công năng sử dụng, được phép bán thanh lý. Giá khởi điểm là hơn 470 triệu đồng.

Tài sản này được bán đấu giá 2 lần nhưng các phiên đấu giá đều không thành công. Ông N.Q.T là người trực tiếp tham gia đấu giá cho biết, 2 lần bán ĐGTS này đều được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về ĐGTS nên rất dễ theo dõi và tham gia. 2 lần bán đấu giá đều có người trúng đấu giá, với giá trúng đấu giá, theo ông N.Q.T, vượt nhiều so với giá thị trường. Tuy nhiên, cả 2 lần, người trúng đấu giá đều không nộp tiền trúng đấu giá và bị tịch thu tiền đặt cọc (khoảng 50 triệu đồng/cuộc đấu giá).

Mong muốn mua tài sản này, ông N.Q.T bám sát các thông tin đấu giá để tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 53 Luật ĐGTS, khi tài sản được bán đấu giá 2 lần nhưng vẫn không thành thì sẽ được bán đấu giá theo thủ tục rút gọn. Tại lần tổ chức thứ 3, tổ chức ĐGTS thông báo công khai một lần việc ĐGTS trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá (không cần đăng trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về ĐGTS).

Ông N.Q.T cho biết, qua nguồn tin riêng, ông chỉ biết tổ chức ĐGTS đã thông báo đấu giá lần 3 trên một kênh truyền hình kỹ thuật số có lượng người xem rất ít, khung giờ thông báo vào nửa đêm, khiến người muốn tham gia lâm cảnh “mò kim đáy bể”. Mặc dù rất quan tâm tới tài sản này và sẵn sàng mua với giá 1,5 tỷ đồng nhưng do không có thông tin về cuộc đấu giá nên ông N.Q.T không thể tham dự.

Trong khi tổ chức ĐGTS khẳng định chưa bán tài sản này, nguồn tin riêng của ông N.Q.T cho biết, tài sản được bán với giá khoảng 920 triệu đồng, đã được “âm thầm” bàn giao cho người trúng đấu giá. Cách thức bàn giao tài sản cũng không đúng quy chế đấu giá (thay vì bàn giao tài sản theo cách cho máy ủi cán bẹp toàn bộ các phương tiện, thì tài sản lại được bàn giao nguyên trạng), tiềm ẩn nguy cơ giá trúng đấu giá thấp hơn nhiều so với giá trị thực của tài sản.

Theo một chuyên gia về đấu giá, những tiêu cực trong ĐGTS thường xảy ra ngấm ngầm và có xu hướng ngày càng tinh vi, phức tạp. Do đó, trong quá trình thanh tra, kiểm tra thông thường rất khó phát hiện, khó nắm bắt bằng chứng để xử lý. Để ngăn chặn những tiêu cực này, cần sự vào cuộc ngay của chủ tài sản, cơ quan công an để dừng các cuộc đấu giá khi có dấu hiệu tiêu cực, tránh thất thoát tài sản nhà nước.

Chuyên đề