Vấn đề tài chính cũng là một thách thức lớn đối với phát triển không gian ngầm của Việt Nam. Ảnh: Đinh Quang Tuấn |
Theo thông tin từ Cục Hạ tầng kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng, tính đến cuối năm 2022, cả nước có 888 đô thị, với sự phát triển của kinh tế - xã hội, dân số gia tăng và tốc độ đô thị hóa nhanh đã dẫn tới sự gia tăng nhanh chóng số lượng phương tiện cơ giới cá nhân, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông. Đơn cử, tại Hà Nội, các bãi đỗ xe hiện chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu; trong khi tại TP.HCM chỉ đáp ứng được khoảng 7%.
Thực tế trong quá trình phát triển đô thị vừa qua có nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm đã được xây dựng như các công trình cấp nước, thoát nước, cấp điện, viễn thông, chiếu sáng…, đặc biệt có cả những công trình giao thông đô thị ngầm (hệ thống đường sắt đô thị, hầm cho đường ô tô, hầm cho người đi bộ, bãi đỗ xe ngầm…). Tuy nhiên hầu hết các công trình chỉ sử dụng để xe, ít sử dụng cho mục đích dịch vụ công cộng. Một số khu vực tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đã xây dựng và đưa vào sử dụng một số không gian ngầm, nhưng tổng thể các công trình này đều mang tính cục bộ, chỉ khai thác sử dụng riêng mà chưa có sự liên kết tổng thể cho cả khu vực hay một đô thị. Thực tiễn này cho thấy, nhu cầu khai thác, sử dụng không gian ngầm tại các đô thị ngày càng trở nên cần thiết, không chỉ giải quyết một số bức xúc về hạ tầng đô thị hiện nay, mà còn để đô thị có thể phát triển theo hướng bền vững trong tương lai.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, việc đầu tư công trình xây dựng, trong đó bao gồm công trình xây dựng ngầm với những loại hình có quy mô lớn như các tuyến tàu điện ngầm, nhà ga ngầm một cách khoa học, hiệu quả là một vấn đề không đơn giản.
Từ góc độ nhà thầu xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhận định, các doanh nghiệp xây dựng trong nước đã bước đầu triển khai công trình ngầm ở một số thành phố lớn, nhưng việc phát triển mạnh mẽ công nghệ thi công công trình ngầm đô thị còn hạn chế. Số doanh nghiệp quan tâm và đủ năng lực thi công các loại công trình này còn ít, kinh nghiệm và năng lực còn hạn chế.
Đứng trước bất cập nêu trên, yêu cầu đặt ra là phải tận dụng một cách có hiệu quả không gian ngầm đô thị, góp phần quản lý và phát triển đô thị hiện đại, bền vững. Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nêu quan điểm, việc đầu tư công trình xây dựng ngầm quy mô lớn đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cấp, ngành, cơ quan và ở nhiều giai đoạn khác nhau, bao gồm cả khía cạnh quản lý nhà nước lẫn công tác khoa học kỹ thuật trong xây dựng.
Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng Luật Điều chỉnh về quản lý không gian ngầm, trình Quốc hội thời hạn năm 2024 - 2026.
Đối với công tác quản lý nhà nước, theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch, quản lý xây dựng, khai thác và sử dụng không gian xây dựng ngầm, công trình xây dựng ngầm và kết cấu hạ tầng giao thông cần tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện. Đối với công tác khoa học kỹ thuật, các cơ quan quản lý; cơ quan tư vấn, thiết kế và các nhà thầu xây dựng của Việt Nam cần tích cực tự nghiên cứu, đồng thời với việc học tập công nghệ mới, kinh nghiệm trong nước và quốc tế.
Theo TS. KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, muốn phát triển không gian ngầm tốt thì phải có quy hoạch thật tốt, trong đó phải nhìn nhận được các vấn đề thực tiễn thuộc về hạ tầng không gian ngầm như hệ thống giao thông, bãi đỗ xe ngầm, đường ngầm qua đường, không gian ngầm phục vụ công cộng… Bên cạnh quy hoạch tốt và được duyệt triển khai, cần phải quản lý tốt quá trình thi công công trình, vận hành quản lý... Những phần việc này liên quan tới các quy định pháp luật, chính sách cần đồng bộ hoàn thiện.
Ngoài ra, vấn đề tài chính vẫn là thách thức lớn đối với phát triển không gian ngầm của Việt Nam khi kinh phí đầu tư xây dựng lớn hơn nhiều lần so với công trình nổi trên mặt đất. Do đó, để phát triển không gian ngầm trong các đô thị, cần dành nguồn lực đầu tư đích đáng, đa dạng phương thức huy động vốn cho phát triển không gian ngầm.