Công ty Bất động sản Đường Dương có trụ sở tại 366 Lê Quý Đôn, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Ảnh St |
Theo nhiều nguồn tin, nhiều năm trở lại đây, Công ty Bất động sản Đường Dương (có trụ sở tại 366 Lê Quý Đôn, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình), do bà Nguyễn Thị Dương - vợ của Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”) - làm Giám đốc Công ty, đã thâu tóm nhiều bất động sản có vị trí đẹp, nằm ở trung tâm thành phố, các huyện tại Thái Bình thông qua hình thức đấu giá. Chiêu thức được 2 vợ chồng Dương Đường sử dụng từ việc cho xã hội đen “thị uy” tại các phiên đấu giá, tới việc gây sức ép, thậm chí hành hung đối với người cùng tham gia đấu giá.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một doanh nghiệp đấu giá tài sản tại tỉnh Thái Bình cho biết, các lô đất đẹp thuộc các dự án khu dân cư, khu tái định cư, các khu trung tâm… được bán đấu giá tại Tỉnh đều được giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường (đơn vị đại diện chủ tài sản) quản lý. Các thông tin bất động sản, các lô đất đắc địa, thời gian tổ chức đấu giá, phương án đấu giá… do Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên đảm nhiệm.
Ngày 16/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam với 4 bị can để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Bốn bị can gồm Phạm Văn Hiệp - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình; Vũ Gia Thành - Đấu giá viên Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình; Trịnh Thị Minh Thúy - Trưởng phòng của Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình và Hà Văn Dũng - nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình.
Theo chuyên gia đấu giá, pháp luật về đấu giá tài sản có nhiều quy định hạn chế sự thông đồng giữa tổ chức đấu giá tài sản và người tham gia đấu giá, trong đó, vai trò quan trọng nhất là sự giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá. Trong trường hợp phát hiện biểu hiện tiêu cực, người có tài sản có quyền yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản dừng việc tổ chức đấu giá, đơn phương chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng; yêu cầu đội ngũ bảo vệ an ninh tại phiên đấu giá phát huy vai trò, trách nhiệm giữ trật tự tại phiên đấu giá...
Trên thực tế, người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản khó có thể cấu kết, móc ngoặc nếu người có tài sản làm đúng trách nhiệm, minh bạch. Tổ chức đấu giá tài sản chỉ thông đồng, móc ngoặc được với người trúng đấu giá nếu người có tài sản “làm ngơ”. Việc Công ty Bất động sản Đường Dương liên tiếp trúng đấu giá với nhiều biểu hiện bất thường tại Thái Bình trong một thời gian dài, cần làm rõ vai trò, mối quan hệ của các bên liên quan, trong đó có tổ chức đấu giá tài sản (Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình) và người có tài sản (Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình), chuyên gia đấu giá nhận định.