Việt Nam và những cơ hội chưa từng có

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bằng việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), nền kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng tích cực và bền vững. Để tận dụng triệt để cơ hội từ các FTA này, cần nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Việt Nam tham gia nhiều FTA tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị trường mới. Ảnh: Lê Tiên
Việt Nam tham gia nhiều FTA tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị trường mới. Ảnh: Lê Tiên

Báo Đấu thầu trân trọng giới thiệu ý kiến của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam về giải pháp tăng thu hút đầu tư, tận dụng và phát huy tiềm năng của các FTA.

Con đường tốt nhất để tăng trưởng

Ông Nicolas Audier - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam

Bất chấp những thách thức đáng kể của năm 2020 do đại dịch Covid-19, Việt Nam có thể hướng tới năm 2021 với sự tự tin và lạc quan.

Chính phủ Việt Nam đã xác định thực thi thương mại tự do, công bằng và có quy tắc bằng việc ký kết một loạt FTA với một số khối thương mại lớn nhất thế giới. Các hiệp định này sẽ loại bỏ dần thuế quan và các rào cản đối với thương mại, mở cửa thị trường, đồng thời nhất quán thủ tục hành chính. Với cách thức đó, các hiệp định này sẽ mở ra một làn sóng cơ hội mới cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đây là một hiệp định thương mại tự do lịch sử, là thỏa thuận toàn diện, đầy tham vọng và trên phạm vi rộng nhất từng được nhất trí giữa EU và một quốc gia đang phát triển. Đây là hiệp định thứ hai được ký với một quốc gia thành viên ASEAN, sau Singapore.

Trong suốt thời gian thực hiện, hiệp định này sẽ loại bỏ gần 99% số dòng thuế, đồng thời mở ra các lĩnh vực đầu tư mới. Trên thực tế, ở thời điểm có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, 65% hàng hóa xuất khẩu của EU sang Việt Nam được miễn thuế quan, tương tự như 71% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

Điều này sẽ giúp các công ty Việt Nam có đặc quyền tiếp cận thị trường EU với khoảng 450 triệu dân. Theo Ngân hàng Thế giới, nếu được thực hiện đầy đủ, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng khoảng 12%. Hiệp định này sẽ thúc đẩy việc bán các hàng hóa như dệt may, giày dép, cà phê và các sản phẩm da thuộc sang 27 quốc gia thành viên EU.

Đồng thời, người tiêu dùng Việt Nam dễ dàng tiếp cận với hàng hóa châu Âu, từ ô tô đến hóa chất, thiết bị y tế đến rượu vang và rượu mạnh, qua đó thúc đẩy khả năng cạnh tranh bình đẳng giữa hàng châu Âu với hàng hóa từ các nước mà Việt Nam đã ký FTA như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Với EVFTA, Việt Nam cũng đã đồng ý mở cửa các lĩnh vực mới cho đầu tư của EU. Vì vậy, chắc chắn sẽ ngày càng có nhiều nhà đầu tư châu Âu muốn đầu tư vào các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, viễn thông và giáo dục đại học tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và 14 nước khác bao gồm các quốc gia thành viên ASEAN cùng với Australia, Nhật Bản, New Zealand, Trung Quốc và Hàn Quốc. Mặc dù không toàn diện hoặc đầy tham vọng như EVFTA, song RCEP sẽ hợp lý hóa các thủ tục hành chính như hải quan và thu xếp xuất nhập khẩu, giúp giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, từ đó tạo thuận lợi cho dòng thương mại trong khu vực.

Thương mại tự do, công bằng và có quy tắc là con đường tốt nhất để tăng trưởng kinh tế, mang lại nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Khía cạnh quan trọng nhất để tận dụng toàn bộ tiềm năng của các hiệp định thương mại tự do là đảm bảo việc thực thi đầy đủ các hiệp định này ở cấp cơ sở. Nói cách khác, điều cần làm là phải đảm bảo các nội dung đã thống nhất về nguyên tắc được hiện thực hóa. Điều này đòi hỏi các quy định hướng dẫn thực hiện được ban hành kịp thời để phù hợp với lộ trình xóa bỏ thuế quan, đồng thời đặt ra yêu cầu nâng cao nhận thức và chia sẻ kiến thức ở cả cấp quốc gia và địa phương. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Việt Nam mà đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên tham gia vào các hiệp định này.

Tiếp tục hành động để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội

Đã qua một năm đầy sóng gió với những tổn thất nặng nề ảnh hưởng tới hàng triệu người nhưng cũng có những trải nghiệm ý nghĩa với nhiều người khác. Đó là sự tăng trưởng và thành công ngoài dự tính ở một số lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu.

Chúng tôi cảm ơn các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các bước đi đúng đắn và phù hợp để giảm thiểu thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Chính phủ và nhân dân Việt Nam rất xuất sắc khi thực hiện những hành động cần thiết để đạt thành quả như năm qua.

Chúng tôi lạc quan về năm Tân Sửu và nhận thấy rằng Chính phủ có thể thực hiện nhiều hành động để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh cũng như thu hút vốn đầu tư mới để tăng cường phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Trước tiên, nên đẩy nhanh việc sử dụng chính phủ điện tử, thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, fintech, điện toán đám mây siêu tốc độ, giảm tổng thể giấy và tiền mặt cho tất cả các doanh nghiệp.

Việc thiết lập các chính sách tốt cho phép sử dụng ví di động và các hệ thống thanh toán điện tử khác có thể tạo điều kiện thúc đẩy phát triển thương mại điện tử hiệu quả hơn, giảm cơ hội tham nhũng và gian lận. Việc thực hiện nhanh các mục tiêu kinh tế kỹ thuật số này có thể giảm vĩnh viễn chi phí hành chính và gánh nặng thời gian tuân thủ cho cả Chính phủ và doanh nghiệp, đồng thời sẽ thu hút các nhà đầu tư mới - những đối tác muốn làm việc với tiêu chuẩn toàn cầu và điều kiện kinh doanh thuận lợi.

Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ đã ưu tiên cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh với các nhà đầu tư hiện tại. Điều quan trọng là các doanh nghiệp và nhà đầu tư phải có môi trường pháp lý công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và hợp lý, coi trọng sự đổi mới. Thực hiện được mục tiêu này không chỉ giúp thu hút đầu tư mới mà còn duy trì và phát triển khoản đầu tư đã có.

Bởi lẽ, khung pháp lý nhiều rào cản và các thủ tục hành chính nặng nề tạo điều kiện cho các hành vi “nhũng nhiễu” và các khoản phí bất hợp pháp. Ngược lại, thủ tục hành chính hợp lý có thể khuyến khích, thúc đẩy đầu tư nước ngoài và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đều ủng hộ các kế hoạch vì môi trường sạch hơn và tương lai năng lượng sạch hơn. Chúng tôi khuyến khích mở rộng cánh cửa cho năng lượng tái tạo và cải thiện các thủ tục chào đón đầu tư nước ngoài và trong nước vào năng lượng tái tạo, truyền tải điện, khí hóa lỏng (LNG) và khí đốt ngoài khơi. Các thành viên của AmCham mong muốn làm việc với Chính phủ về xây dựng ngành công nghiệp tái chế theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, giúp làm sạch các tuyến đường thủy và các thành phố, đồng thời thu hút nhiều việc làm mới.

Một yếu tố khác tác động lớn đến doanh nghiệp là hệ thống thuế. Mặc dù thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 20% là cạnh tranh, nhưng thủ tục thuế vẫn là nỗi phiền hà và là gánh nặng so với các nước láng giềng.

Bước tiến quan trọng trên con đường hội nhập

Ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BritCham)

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) được ký kết và có hiệu lực ngay trong ngày đầu tiên của năm 2021 (1/1/2021) được đánh giá sẽ tạo thêm động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam bứt phá và có những bước tiến quan trọng trên con đường hội nhập.

Việc xóa bỏ 65% trong tổng số các loại thuế quan từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực và tăng lên 99% sau 6 - 7 năm kế tiếp sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp xuất khẩu máy móc, dược phẩm, hóa chất, rượu mạnh của Vương quốc Anh.

Cùng với đó, giảm các rào cản về luật pháp, những gánh nặng về thủ tục hành chính hay việc bảo đảm bảo hộ chỉ dẫn địa lý và mở cửa thị trường dịch vụ, mua sắm công cho khu vực tư nhân mang lại những kỳ vọng cho số đông doanh nghiệp hai nước.

Về cơ bản, UKVFTA sẽ giúp bảo đảm thực thi các quy tắc, cam kết mà từ trước tới nay doanh nghiệp cũng như Chính phủ hai nước đã có thỏa thuận và giao kết.

Hiệp định thương mại tự do này cũng bảo đảm cho sự tăng tốc trong hoạt động thương mại song phương của hơn 3.000 doanh nghiệp Anh quốc đang xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam cũng như hàng nghìn người tiêu dùng Anh quốc đang mong đợi được sử dụng và tiếp cận các sản phẩm như điện thoại di động, quần áo, giày dép... sản xuất tại Việt Nam.

Cơ hội thu hút đầu tư mang tính lịch sử

Ông Hong Sun - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham)

Việt Nam là một trong những điểm đến được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Việc Việt Nam tham gia nhiều FTA tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường mới.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc ngày càng quan tâm và tham gia nhiều hơn vào thị trường Việt Nam. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, các nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia vào lĩnh vực may mặc, giầy dép là chính. Đây là những lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều lao động với giá trị gia tăng tương đối thấp. Nhưng sau khi Samsung đầu tư vào Việt Nam, nhiều công ty cung ứng cấp 1, cấp 2, cấp 3 đã nối tiếp đầu tư vào Việt Nam.

Không chỉ sản xuất điện thoại, Samsung còn mở rộng sản xuất nhiều mặt hàng gia dụng tại Khu công nghệ cao TP.HCM. 2 năm nữa sẽ ra đời trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất của Tập đoàn Samsung tại Hà Nội. Rất nhiều giáo sư, tiến sĩ và các chuyên gia đầu ngành sẽ làm việc tại trung tâm này. Điều này cho thấy xu hướng đầu tư giờ đã đi vào chất lượng. Rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của Hàn Quốc chuyển sang đầu tư tại Việt Nam vì điều kiện của thị trường hết sức thuận lợi.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội thu hút đầu tư rất quan trọng trong lịch sử. Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để bứt phá.

Điểm đến đầu tư triển vọng nhất

Ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam

Có thể kỳ vọng rằng các FTA thế hệ mới cộng thêm các FTA đã có sẽ ngày càng mở rộng ưu thế, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thương mại và đầu tư cho Việt Nam.

Doanh nghiệp Nhật Bản đang triển khai đa dạng hóa, tăng cường chuỗi cung ứng quốc tế, và Việt Nam là một trong các điểm đến đầu tư triển vọng nhất. Với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 và đã bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế, thêm nữa là nhờ EVFTA, RCEP, CPTPP, Việt Nam sẽ có thêm thế mạnh mở rộng thương mại với các thị trường chủ chốt với mức thuế thấp.

Mạng lưới sản xuất của châu Á bao gồm Việt Nam đã có sự liên kết trong 20 năm qua. Với vai trò vừa là cơ sở sản xuất, vừa là thị trường tiêu thụ, sự hồi phục sớm của kinh tế châu Á sẽ mang đến lợi ích cho Việt Nam.

Bên cạnh các thoả thuận thương mại, nhiều cơ chế chính sách ưu đãi trong nước, cơ chế khuyến khích xuất khẩu cũng là lợi thế thu hút đầu tư và thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam với các nước. Dù đây là lợi thế nhưng cũng cần tránh phức tạp hóa các cơ chế và thủ tục. Có những rủi ro về phát sinh chi phí do sự giải thích khác biệt của người phụ trách giải quyết các thủ tục hành chính, sự chậm trễ về thủ tục, kiện tụng hay bị phạt do sai lầm... Nếu phải bù trừ lợi ích từ những ưu đãi bằng việc mất thêm thời gian và các chi phí khác thì cũng đáng quan ngại.

Để tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, Chính phủ Việt Nam nên khuyến khích đầu tư mới bằng việc nới lỏng hạn chế nhập cảnh đối với người làm kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Việt Nam dù là ứng viên hàng đầu để tăng cường chuỗi cung ứng nhưng còn yếu về nguyên liệu, vật liệu hay linh kiện cốt lõi cần thiết cho sản xuất và quy trình hoàn thiện sản phẩm của doanh nghiệp. Cần nuôi dưỡng các doanh nghiệp hỗ trợ, công khai thông tin doanh nghiệp, cải thiện hạ tầng điện…

Đồng thời, cần nâng cao năng suất lao động. Chi phí nhân công tăng là điều không thể tránh khỏi nhưng tăng năng suất lao động và tạo ra giá trị gia tăng phù hợp với việc tăng chi phí nhân công là điều cần thiết.

Một điều cần làm nữa là đẩy nhanh nỗ lực liên bộ, ngành, cần có sáng kiến chung mở rộng vượt qua ranh giới của các bộ và cơ quan để thực thi hiệu quả các chính sách.

Chuyên đề