Vì sao mũ quan triều Nguyễn gấp 80 lần giá khởi điểm chỉ sau 3 ngày?

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ trong vòng 3 ngày, giá của chiếc mũ quan triều Nguyễn - Huế đang được đấu giá ở Tây Ban Nha đã gấp 80 lần giá khởi điểm.
Mũ quan triều Nguyễn giá đã gấp 80 lần khởi điểm. Ảnh từ trang web invaluable.com
Mũ quan triều Nguyễn giá đã gấp 80 lần khởi điểm. Ảnh từ trang web invaluable.com

Nhà đấu giá Invaluable ở Barcelona (Tây Ban Nha) tổ chức đấu giá một chiếc mũ quan văn triều Nguyễn.

Mũ có niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đi kèm cả hộp đựng mũ bằng gỗ sơn son thếp vàng cũng còn nguyên vẹn.

Giá khởi điểm cho chiếc mũ này là 500-600 Euro. Phiên đấu giá chính thức sẽ mở lúc 16h ngày 28/10/2021 trên trang web invaluable.com.

Tuy nhiên, bất ngờ là chỉ sau hơn 3 ngày kể từ khi thông tin được công bố, ngày 22/10, đến tối 25/10, đã có người đặt 40.000 Euro, gấp 80 lần giá khởi điểm chiếc mũ.

Theo lý giải của một nhà sưu tập cổ vật ở Việt Nam (xin tạm giấu tên) đang theo đấu giá chiếc mũ này, sở dĩ giá chiếc mũ quan này tăng cao như vậy là vì các lý do sau:

Đầu tiên là thông tin về cuộc đấu giá này được đăng tải trên Facebook của TS Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế và là một chuyên gia nghiên cứu cổ vật triều Nguyễn rất có uy tín.

“Bình thường, sẽ có rất ít người quan tâm đến chiếc mũ quan này. Nhưng khi thông tin được đăng tải công khai trên Facebook của TS Trần Đức Anh Sơn, tự khắc sẽ có nhiều người quan tâm bởi anh Sơn là một sự bảo chứng về chất lượng cổ vật.

Bây giờ sẽ có nhiều người muốn sở hữu chiếc mũ này không chỉ bởi giá trị của nó mà còn vì đây là món đồ nổi tiếng đang gây xôn xao dư luận, được nhiều người quan tâm”, nhà sưu tập cổ vật giấu tên cho biết.

Lý do thứ 2 đến từ việc đây là phiên đấu giá không có đặt cọc. “Đấu giá cổ vật ở nước ngoài có hai hình thức, đặt cọc và không đặt cọc”, nhà sưu tập xin giấu tên cho biết:

“Thường các phiên có đặt cọc (khoảng 10% trên tổng giá dự kiến mà nhà đấu giá đưa ra cho tất cả các hiện vật của một phiên đấu giá) chỉ có sự tham gia của các nhà đấu giá chuyên nghiệp.

Và họ hoặc theo tới cùng vì số tiền cọc đã bỏ ra, vì quyết tâm muốn mua món đồ đó hoặc bỏ cuộc ngay từ đầu, không dám xuống cọc vì tâm lý sợ không thu hồi được hoặc chậm thu hồi tiền cọc nếu chẳng may mình không đấu trúng nên giá cả sẽ không bị đội lên bất thường.

Với các phiên đấu giá không đặt cọc thì bất kỳ ai quan tâm, chỉ cần có thẻ Visa là có thể vào tham gia và tự đặt cho mình một mức giá nào đó. Sau đó họ không mua cũng không sao vì có bị nhà đấu giá xoá nick, ghi “sổ đen” cũng không ảnh hưởng gì đến sự nghiệp của họ”.

Theo nhà sưu tập này, hiện ở Việt Nam đang có nhiều người đang theo vụ đấu giá này. Và chắc chắn giá của chiếc mũ quan triều Nguyễn này sẽ không dừng lại ở mức 40.000 Euro khi phiên đấu giá này kết thúc.

Chuyên đề