Vẽ “bức tranh đẹp” về hệ thống hạ tầng giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xác định hạ tầng giao thông là động lực quan trọng, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, TP. Cần Thơ luôn ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông. Nhờ đó, TP. Cần Thơ dần “thay da đổi thịt”, hướng tới trở thành đầu mối giao thông quan trọng nội vùng và liên vận quốc tế, trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.
TP. Cần Thơ sẽ huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư đồng bộ các dự án cả về đường bộ, đường thủy, đường biển, đường hàng không, đường sắt. Ảnh: Trần Minh Lương
TP. Cần Thơ sẽ huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư đồng bộ các dự án cả về đường bộ, đường thủy, đường biển, đường hàng không, đường sắt. Ảnh: Trần Minh Lương

Đến Cần Thơ hôm nay, nhiều người sẽ sững sờ với tốc độ phát triển nhanh chóng của vùng đất nên thơ và năng động này, bởi hàng loạt công trình giao thông lớn được đầu tư xây dựng như: Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Cảng Cái Cui, Cầu Cần Thơ, Quốc lộ 1, Quốc lộ 91B, Quốc lộ 91, cầu Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, đường Võ Văn Kiệt, đường Võ Nguyên Giáp, đường Bốn Tổng - Một Ngàn, đường nối TP. Cần Thơ với tỉnh Hậu Giang...

Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cần Thơ, để xây dựng Cần Thơ thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, trước hết phải có một hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, thuận lợi, hiệu quả và an toàn. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sở Giao thông vận tải luôn quán triệt trong toàn ngành những gì đã làm được thời gian qua chỉ là bước khởi đầu cho hành trình còn rất gian nan, đòi hỏi phải nỗ lực không ngừng mới có thể hoàn thành những nhiệm vụ lớn hơn, quan trọng hơn trong những năm tới.

Trong hành trình xây dựng Cần Thơ trở thành thành phố đáng sống và năng động luôn có sự đồng hành của Bộ Chính trị, Chính phủ, bộ, ngành trung ương, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải. Ngày 5/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đề ra nhiệm vụ trọng tâm là “phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; là cơ sở để TP. Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế”.

Ngày 30/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW, trong đó ban hành nhiệm vụ đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ Giao thông vận tải thực hiện và do TP. Cần Thơ thực hiện (số lượng dự án giao thông chiếm trên 50% danh mục dự án), huy động nhiều nguồn vốn khác nhau để đầu tư đồng bộ các dự án cả về đường bộ, đường thủy, đường biển, đường hàng không, đường sắt nhằm đáp ứng yêu cầu kết nối TP. Cần Thơ với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ, cả nước và quốc tế.

Nhiều dự án trọng điểm kết nối vùng qua địa bàn TP. Cần Thơ đã và đang được triển khai. Ảnh: Quang Vinh

Nhiều dự án trọng điểm kết nối vùng qua địa bàn TP. Cần Thơ đã và đang được triển khai. Ảnh: Quang Vinh

Trên cơ sở đó, Trung ương và TP. Cần Thơ đã và đang tập trung ưu tiên huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện tham mưu UBND Thành phố triển khai đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, trong đó ưu tiên đầu tư đường vành đai, đường liên tỉnh, đường tỉnh để kết nối đồng bộ với các đường cao tốc, quốc lộ qua địa bàn Thành phố, từ đó kết nối đến cảng hàng không, cảng biển, các trung tâm đô thị, khu công nghiệp, giải quyết ùn tắc giao thông khu vực nội đô và mở rộng không gian phát triển đô thị. Điển hình là các dự án: đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (UBND Thành phố đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và đang triển khai giải phóng mặt bằng, tái định cư; kế hoạch sẽ khởi công trước ngày 30/6/2023); đường vành đai phía Tây Thành phố, Đường tỉnh 921, 923 (đã triển khai thi công); Đường tỉnh 917, 918 (dự kiến khởi công trong tháng 3/2023).

Bên cạnh đó, Cần Thơ đang đề xuất sử dụng vốn vay ODA để triển khai các công trình: nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C; đường liên tỉnh kết nối TP. Cần Thơ với tỉnh Kiên Giang và tỉnh Đồng Tháp; cầu Ô Môn; cải tạo, mở rộng 5 nút giao thông trọng điểm của Thành phố.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải triển khai đầu tư các dự án trọng điểm kết nối vùng qua địa bàn TP. Cần Thơ như: cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 (khởi công năm 2020 và dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2023); cao tốc Bắc Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau (khởi công tháng 1/2023 và dự kiến hoàn thành năm 2025); nâng cấp tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thành đường cao tốc (dự kiến khởi công năm 2023 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024); nâng cấp đường Nam sông Hậu (triển khai đầu tư năm 2023); nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 (khởi công ngày 19/12/2021); xây dựng hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 (khởi công ngày 28/12/2021). Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải đang tổ chức lập Đề án xã hội hóa, đầu tư khai thác Cảng hàng không Cần Thơ; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt TP.HCM - Cần Thơ...

TP. Cần Thơ ưu tiên đầu tư đường vành đai, đường liên tỉnh, đường tỉnh để kết nối đồng bộ với các đường cao tốc, quốc lộ qua địa bàn Thành phố, từ đó kết nối đến cảng hàng không, cảng biển, các trung tâm đô thị, khu công nghiệp, giải quyết ùn tắc giao thông khu vực nội đô và mở rộng không gian phát triển đô thị.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Cần Thơ, để tiếp tục huy động nguồn vốn lớn và triển khai đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, thời gian tới, Sở sẽ chủ động kiến nghị, đề xuất Trung ương ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm theo danh mục dự án tại Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ. Đến nay, nhiều dự án đã được Trung ương bố trí đảm bảo nguồn vốn để triển khai đầu tư như: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ngân sách trung ương cũng đã hỗ trợ cho TP. Cần Thơ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm và có tổng mức đầu tư lớn như: đường vành đai phía Tây Thành phố; Đường tỉnh 923; Đường tỉnh 921; Đường tỉnh 918, Đường tỉnh 917...

Đặc biệt, thời gian tới, Cần Thơ sẽ tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên tỉnh như: phối hợp với các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp đề xuất đầu tư xây dựng Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C) giai đoạn 2; Dự án Đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang; Dự án Cầu Ô Môn... trong giai đoạn 2022 - 2026. TP. Cần Thơ sẽ ưu tiên tập trung bố trí vốn ngân sách thành phố cho các dự án giao thông (chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư công), tăng cường kêu gọi đầu tư để thu hút mọi nguồn vốn và các thành phần kinh tế tham gia; quản lý đồng bộ, hiệu quả công tác quy hoạch xây dựng, đất đai để tạo quỹ đất cho đầu tư hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đảm bảo kịp thời khởi công các dự án...

Cùng với đó, Cần Thơ sẽ triển khai lập đề án khai thác quỹ đất hai bên đường gắn với các dự án đường trục chính của Thành phố như đường vành đai phía Tây, để đấu giá tạo nguồn vốn ngân sách tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Nghiên cứu xây dựng quy chế làm việc để huy động toàn hệ thống chính trị tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông, gắn với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy và chính quyền.

Chuyên đề