Vẫn khó bán tài sản thi hành án

(BĐT) - Do lo ngại nhiều rủi ro nên tài sản thi hành án khi được mang ra bán đấu giá thường gặp rất nhiều khó khăn. Việc không có người mua hoặc rất ít người mua loại tài sản này là một trong những “điểm nghẽn” dẫn đến kéo dài thời gian thi hành án.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Án chuyển kỳ sau ngày càng tăng

Theo ông Nguyễn Xuân Tùng, Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), một trong những “điểm nghẽn” kéo dài thời gian thi hành án là tình trạng không có người mua tài sản đấu giá.

Thống kê của Tổng cục THADS cho thấy, trong 10 tháng năm 2017, tổng số vụ việc đã kê biên, định giá lại và đấu giá nhưng không thành là 8.423 việc, tương ứng với số tiền là 10.561,3 tỷ đồng, chiếm 1,34% số việc và 9,33% số tiền có điều kiện đang thi hành trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, số việc bán đấu giá từ 3 lần trở lên là 5.810 việc, tương ứng với số tiền là gần 6.855,7 tỷ đồng.

Chính vì đấu giá nhiều lần tài sản thi hành án không xong, nên tổng số việc chuyển kỳ sau theo thống kê của Tổng cục THADS vẫn lớn, với 360.203 việc, trong đó, số việc có điều kiện nhưng chưa thi hành xong là 204.435 việc, so với số việc có điều kiện thi hành cùng kỳ năm 2016 (215.977 việc) giảm 11.542 việc (giảm 5,34%).

Báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2017, Cục THADS TP. Hà Nội cho biết, tình hình giải quyết các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, thống kê có 3.194 việc, tương ứng với số tiền là 12.500,7 tỷ đồng (chiếm 8% về việc và 56% về tiền so với tổng số việc và tiền phải giải quyết). Trong số đó, mới giải quyết được 177 việc với số tiền là 1.207 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 6% về việc và 12% về tiền. Đối với các vụ việc đã kê biên, bán đấu giá nhưng chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá thì số vụ việc còn tồn tính đến ngày 30/6/2017 là 45 vụ việc, với tổng giá trị tiền nếu bán đấu giá thành là 78,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới chỉ bàn giao tài sản 7 vụ với số tiền 11,7 tỷ đồng; còn phải thi hành 38 vụ với số tiền 66,7 tỷ đồng. 

Cơ chế riêng cho tài sản thi hành án

Theo Luật sư Phạm Thị Hồng Đào, quy định về bảo quản tài sản thi hành án được thực hiện theo quy định của Luật THADS 2014 vẫn còn tồn tại những bất cập khiến cho quá trình bán đấu giá tài sản trong THADS gặp khó khăn, phức tạp.

Cụ thể, một trong những hình thức bảo quản tài sản thi hành án được Luật quy định là giao cho người phải thi hành án, người thân thích của người phải thi hành án. Quy định này theo Luật sư là có thuận lợi trong việc bảo quản, trông coi, khai thác lợi ích từ tài sản; việc kê biên tài sản sẽ ít gặp phải sự chống đối của người có tài sản vì tâm lý chưa bị mất ngay tài sản; có thêm thời gian để các cơ quan chức năng tìm kiếm chỗ ở cho người có tài sản...

Tuy nhiên, thực tế, đây lại là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến khó khăn, phức tạp cho quá trình bán đấu giá tài sản trong THADS. Việc giao này khiến quá trình bán đấu giá tài sản không phản ánh trung thực giá trị của tài sản đưa ra bán đấu giá do người bán đấu giá đang quản lý tài sản. Trong khi đó họ đang mang tâm lý bị ép buộc, cưỡng chế, nên thường chây ì, cố tình gây khó khăn, cản trở, không tạo điều kiện cho người có nhu cầu mua tài sản, xem tài sản, chưa kể họ còn tìm cách thông tin không đúng sự thật về tài sản, làm cho người có nhu cầu mua không muốn mua hoặc nếu mua thì không trả giá đúng với giá trị thực của tài sản.

Mặt khác, một vụ việc nhưng có thể bị cưỡng chế đến 2 lần (khi kê biên tài sản và khi bán đấu giá thành công) khiến tài sản THADS dù được định giá rẻ hơn giá thị trường, nhưng vẫn chưa thu hút được sự tham gia của các tổ chức đấu giá cũng như người mua. Ngoài ra, tâm lý ngại rủi ro, không biết lúc nào lấy được tài sản cũng khiến nhiều người hoang mang, không muốn mua tài sản bán đấu giá liên quan đến THADS.

Để tháo gỡ vướng mắc trong trường hợp này, Luật sư Phạm Thị Hồng Đào cho rằng, do có những đặc thù về trình tự, thủ tục của việc chuyển giao tài sản THADS nên cần có những quy định riêng, đặc thù cho việc bán đấu giá tài sản đối với loại tài sản này. Không nên quy định chung thủ tục bán đấu giá cưỡng bức như trong Luật THADS năm 2014 với việc bán đấu giá tài sản tự nguyện như tài sản thông thường khác. Bởi, vấn đề mấu chốt trong đấu giá tài sản THADS là cần tháo gỡ nút thắt trong bàn giao tài sản giữa chủ tài sản và người trúng đấu giá.

TS. Nguyễn Quang Thái, Cục THADS TP. Hà Nội bày tỏ quan điểm, cần quy định cụ thể tài sản trước khi đưa ra bán đấu giá phải là tài sản mà cơ quan THADS đang quản lý hoặc một cơ quan thứ ba quản lý. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng bán đấu giá không có người mua, tránh thiệt hại cho người có tài sản (ít người mua dẫn đến bị ép giá, giảm giá); từ đó rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ thi hành án, giảm khó khăn, áp lực cho cơ quan THADS.

Chuyên đề