Ảnh Internet |
Sự việc này phản ánh phần nào thực tế kiểm soát công tác bán đấu giá tài sản (ĐGTS) thi hành án còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả.
Chiếm đoạt tiền bán tài sản thi hành án
Báo cáo mới nhất của Bộ Tư pháp đã thẳng thắn chỉ ra hàng loạt nguyên nhân dẫn đến tình trạng tài sản thi hành án hiện nay chưa được đấu giá hiệu quả. Bộ Tư pháp cho biết, trong năm 2016, số vụ việc mà các cơ quan thi hành án dân sự trên toàn quốc đã tổ chức kê biên, bán ĐGTS để thi hành án là 11.496 vụ việc, với tổng số tiền là hơn 32.664 tỷ đồng và 378 lượng vàng SJC. Trong số các vụ việc này, tài sản của người phải thi hành án bị kê biên, xử lý chủ yếu là bất động sản. Trong đó, số vụ việc bán ĐGTS không thành là 11.084, với số tiền là hơn 31.866 tỷ đồng. Số vụ việc bán ĐGTS thành công là 412, với tổng số tiền là hơn 798 tỷ đồng và 378 lượng vàng SJC. Trong số vụ việc bán ĐGTS thành công, số vụ việc đã giao tài sản là 156, còn số vụ việc chưa giao được tài sản là 256.
“Mặc dù số vụ việc đã kê biên, định giá và đưa ra bán đấu giá là rất lớn, nhưng kết quả việc bán ĐGTS thành công và kết quả giao tài sản đã bán đấu giá cho người mua được là rất thấp. Giá trị thu được từ việc bán ĐGTS cũng rất thấp. Kết quả trên phản ánh thực tế hoạt động bán ĐGTS thi hành án chưa đáp ứng được kỳ vọng”, Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp thẳng thắn nhìn nhận.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bán ĐGTS thi hành án đạt kết quả thấp đã được chỉ ra, trong đó có việc các quy định pháp luật về ĐGTS hiện hành chưa đồng bộ, thống nhất; chưa xác định rõ vị trí, vai trò của hoạt động bán đấu giá trong quá trình tổ chức thi hành án. Bên cạnh đó, các quy định về bán ĐGTS cũng chưa tách bạch giữa hoạt động bán đấu giá với các hoạt động thi hành án khác, dẫn tới tình trạng các tổ chức bán ĐGTS can thiệp quá sâu vào hoạt động thi hành án dân sự.
Đáng chú ý, theo đại diện Bộ Tư pháp, trước đây, có tình trạng một số tổ chức đấu giá chậm chuyển tiền hoặc chỉ chuyển một phần tiền bán ĐGTS cho các cơ quan thi hành án. Đơn cử như, các tổ chức bán đấu giá chỉ chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự 70 - 80% số tiền người mua trúng đấu giá nộp, số còn lại chỉ chuyển sau khi cơ quan thi hành án dân sự giao được tài sản cho người trúng đấu giá. “Đặc biệt, một số tổ chức bán đấu giá đã lợi dụng quy định về đấu giá để chiếm đoạt tiền bán tài sản thi hành án. Tổng cục Thi hành án dân sự đã phát hiện nhiều tổ chức bán ĐGTS chiếm đoạt tiền bán tài sản thi hành án lên tới hàng chục tỷ đồng”, đại diện Bộ Tư pháp cung cấp thông tin.
Mơ hồ thẩm định giá
Một trong những nguyên nhân chính được Bộ Tư pháp chỉ đích danh dẫn tới tình trạng ĐGTS thi hành án không đạt hiệu quả là khâu thẩm định giá tồn tại nhiều bất cập. Do việc đưa ra giá khởi điểm phù hợp với giá của thị trường là yếu tố quan trọng trong ĐGTS nên trên thực tế, để xác định giá khởi điểm đối với tài sản thi hành án, cơ quan thi hành án phải ký hợp đồng với các tổ chức thẩm định giá để yêu cầu xác định giá của tài sản.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có tiêu chí cụ thể để đánh giá chất lượng các tổ chức thẩm định giá. Việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá chủ yếu dựa trên cảm tính, do đó, vẫn còn tồn tại hiện tượng các tổ chức thẩm định giá đưa ra kết quả thẩm định không sát với giá thị trường (quá cao hoặc quá thấp).
Dẫn chứng cho nhận định này, Tổng cục Thi hành án dân sự nêu câu chuyện: Quá trình thẩm định giá trị một con tàu trong khoảng thời gian 6 tháng từng ghi nhận kết quả, giá thẩm định lần thứ nhất là hơn 4,7 tỷ đồng, lần thứ hai lên tới hơn 18 tỷ đồng, và đến lần thứ ba thì quay lại giá trị ban đầu còn hơn 4,7 tỷ đồng.
Theo Bộ Tư pháp, hiện có không ít trường hợp thẩm định giá đưa ra giá quá cao dẫn đến tình trạng giảm giá tài sản đến 10 lần, thậm chí có những tài sản phải giảm đến hơn 20 lần vẫn không bán được. Cơ quan này cho rằng, đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến số lượng vụ việc bán đấu giá tài sản không thành rất lớn và tạo ra chi phí ĐGTS rất cao.