USD tăng giá có đáng ngại?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đồng USD có xu hướng tăng giá trong những ngày gần đây, được dự báo có thể tăng tiếp do tác động từ xung đột Nga - Ukraine và bất ổn trên thị trường tài chính thế giới. Nhiều ý kiến cho rằng, cần theo dõi để có ứng phó phù hợp trong điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là tỷ giá.
Đồng USD được dự báo có thể tiếp tục tăng giá trong thời gian tới. Ảnh: Nhã Chi
Đồng USD được dự báo có thể tiếp tục tăng giá trong thời gian tới. Ảnh: Nhã Chi

Ngày 2/3, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.133 VND/USD, giảm 4 đồng so với mức niêm yết hôm 1/3. Áp dụng biên độ 3%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch từ 22.439 - 23.827 VND/USD. Tỷ giá mua bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN được giữ ở mức 22.550 - 23.050 VND/USD.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng giá USD từ 5 đến 15 đồng. Đơn cử, VietinBank tăng15 đồng ở cả hai chiều mua, bán. Các ngân hàng còn lại tăng từ 5 đến 10 đồng so với mức niêm yết cùng giờ sáng 1/3. Giá mua USD hiện trong khoảng 22.645 - 22.710 VND/USD, giá bán ra ở mức 22.910 - 23.075 VND/USD.

Trên thị trường thế giới, chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - tăng 0,72% lên 97,388 điểm. Tỷ giá euro so với USD giảm 0,01% xuống 1,1125 USD/1 euro. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD tăng 0,05% lên 1,3327 USD/ 1 bảng Anh.

Giới phân tích thế giới cho rằng, giá đồng USD có xu hướng đi lên và giá đồng ruble của Nga đã ổn định phần nào sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục. Trên thị trường quốc tế, chỉ số đồng USD tăng 0,7% so với cuối tháng 1 và tăng khoảng 1,5% so với hồi đầu năm. Tại thị trường trong nước, VND mất giá khoảng 0,7% so với cuối tháng 1 nhưng không thay đổi nhiều so với đầu năm.

Các biến động địa chính trị trên thế giới, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine khiến đồng USD trở thành một trong những “nơi trú ẩn” tài sản của giới đầu tư, khiến đồng tiền này tăng giá ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu SSI Research, áp lực đối với VND đã phần nào xuất hiện trong thời gian qua, khi đồng USD có xu hướng mạnh lên ở thị trường quốc tế cũng như nguồn cung ngoại tệ chưa hồi phục do cán cân thương mại nhập siêu (2 tháng đầu năm ước tính nhập siêu 0,9 tỷ USD) và giai đoạn cao điểm nguồn kiều hối đã qua. Tuy nhiên, cán cân thương mại sẽ nhanh chóng được cải thiện khi xuất khẩu hồi phục, giúp VND duy trì được sức mạnh của mình.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), tỷ giá VND/USD tăng do tác động từ thị trường tài chính toàn cầu song mức tăng không lớn nên chưa ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thời gian tới, đồng USD có thể tiếp tục tăng giá, song với nguồn dự trữ ngoại hối tốt, tỷ giá có thể biến động nhưng mức biến động không lớn.

Từ góc độ khác, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Đồng USD tăng giá giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi song doanh nghiệp nhập khẩu lại chịu thiệt vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, thêm lực đẩy cho lạm phát trong thời gian tới. Do đó, việc theo dõi sát biến động đồng USD trên thị trường quốc tế để có giải pháp kịp thời ổn định thị trường ngoại hối là hết sức cần thiết”.

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, các biến động địa chính trị trên thế giới, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine khiến đồng USD trở thành một trong những “nơi trú ẩn” tài sản của giới đầu tư, khiến đồng tiền này tăng giá ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong thời gian tới cũng sẽ đẩy giá đồng bạc xanh trên thị trường.

Theo ông Linh, điều này đặt ra thách thức khá lớn cho công tác điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là chính sách tỷ giá của Việt Nam. “Nếu đồng USD tiếp tục tăng giá, việc giữ ổn định tỷ giá đòi hỏi nguồn lực ngoại hối lớn và sự điều tiết nhịp nhàng trên thị trường. Chúng ta đã có nguồn dự trữ ngoại hối tốt trong thời gian qua, song nếu đà tăng quá lớn thì việc điều tiết sẽ gặp khó khăn hơn. Bên cạnh đó, FED tăng lãi suất là một trở ngại đáng kể với nỗ lực giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Quan sát thị trường tiền tệ trong thời gian qua cho thấy, cơ quan điều hành đã và đang rất linh hoạt trong việc điều chỉnh các chính sách, nên có thể kỳ vọng chính sách tiền tệ đạt được sự hài hòa giữa hai mục tiêu vừa ổn định vĩ mô vừa khôi phục kinh tế trong thời gian tới”, ông Linh nói.

Chuyên đề