ƯỚC VỌNG DOANH NGHIỆP ĐẦU ĐÀN - Bài 4: Vững một niềm tin

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Để khôi phục và phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng nòng cốt, trên tuyến đầu.

Làm thế nào để đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường là vấn đề được đặt ra. Thông điệp mạnh mẽ tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về việc xây dựng và phát triển các doanh nghiệp lớn chính là điểm tựa niềm tin vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp vươn lên, bay cao, bay xa.

Báo Đấu thầu trân trọng giới thiệu loạt bài “Ước vọng doanh nghiệp đầu đàn” góp thêm góc nhìn và phân tích việc hiện thực hóa ước vọng này.

VinFast đặt mục tiêu đạt doanh số hằng năm từ 160.000 đến 180.000 xe điện tại Mỹ, tương đương 1% tổng sản lượng ôtô bán ra tại Mỹ.
VinFast đặt mục tiêu đạt doanh số hằng năm từ 160.000 đến 180.000 xe điện tại Mỹ, tương đương 1% tổng sản lượng ôtô bán ra tại Mỹ.

Bài 4: Vững một niềm tin

Kinh doanh để làm giàu cho chính mình, tạo sự phồn vinh cho đất nước đã trở thành một mã “gene” trong từng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam. Trên hành trình ấy, có cả những bước tiến lẫn bước lùi, song có thể mượn lời của Nguyễn Trãi rằng “hào kiệt thời nào cũng có” để nói về bức tranh chung của doanh nghiệp Việt Nam thời nay. Xây dựng và hỗ trợ các “hào kiệt” trở thành những doanh nghiệp đầu đàn, dẫn dắt các ngành, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho cả hệ sinh thái cùng phát triển là chủ trương đúng đắn ở thời điểm hiện nay. Làm được điều đó, các doanh nghiệp đầu đàn cần được trao niềm tin trọn vẹn để họ dành cả tâm huyết cho sứ mệnh ấy.

Những bước tiến mạnh mẽ

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã hình thành từ hàng trăm năm nay, đến nay, tên tuổi của nhiều doanh nghiệp không còn xa lạ với thị trường thế giới. Giữa tháng 7/2021, hãng xe VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức đưa các chi nhánh tại Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan vào hoạt động, nhằm chuẩn bị cho việc ra mắt sản phẩm.

Đây là bước tiến nhằm thực hiện mục tiêu đưa VinFast trở thành hãng ôtô điện thông minh toàn cầu. Theo thông tin từ VinFast (thành viên của Vingroup), hãng này đặt mục tiêu lớn tiến vào thị trường Mỹ, châu Âu với dòng ôtô điện mô hình cho thuê pin sẽ đủ sức thu hút người tiêu dùng trước các nhà sản xuất nội địa lớn như Tesla và General Motors (GM). Doanh nghiệp này đặt mục tiêu đạt doanh số hằng năm từ 160.000 đến 180.000 xe điện tại Mỹ, tương đương 1% tổng sản lượng ôtô bán ra tại Mỹ.

Trên thị trường viễn thông, 15 năm trước, khi Viettel bước chân ra nước ngoài đầu tư, có không ít ánh mắt nghi ngại về quyết định đó. Thế nhưng đến nay, Viettel đã thành công và tiếp tục mở rộng đầu tư ở các thị trường như Campuchia, Lào, Mozambique, Tanzania, Peru, Myanmar...

Tháng 3 năm nay, Vinamilk vừa tiến lên thứ 36 trong danh sách 50 công ty sữa có doanh thu cao nhất thế giới, theo thống kê của Plimsoll (Anh) - công ty hàng đầu trong lĩnh vực phân tích tài chính đa ngành trên phạm vi toàn cầu. Vinamilk là công ty duy nhất tại Đông Nam Á lọt Top 50 công ty sữa hàng đầu thế giới. Một trong những mục tiêu của Vinamilk trong thời gian tới là trở thành 1 trong Top 30 công ty sữa lớn nhất thế giới.

Đó chỉ là một vài trong số hàng ngàn doanh nghiệp Việt đang dần ghi dấu ấn trên thị trường thế giới và là niềm tự hào cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như mỗi người Việt Nam.

Trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, doanh nghiệp Việt cần được nâng cao vị thế trên cuộc đua này, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển và tạo sự thịnh vượng cho quốc gia, chủ trương hình thành những doanh nghiệp quy mô lớn có vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế là điều cần thiết.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn chia sẻ: “Không có quốc gia nào lại không muốn có được những doanh nghiệp nội địa lớn, hùng mạnh để tăng cường sức mạnh kinh tế quốc gia, làm đầu tàu để lôi kéo các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước phát triển, đồng thời giành thắng lợi trong việc cạnh tranh thị phần thế giới với các đối thủ nước ngoài. Hàn Quốc đã xây dựng mô hình chaebol, hình thành các tập đoàn kinh tế tư doanh lớn, được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Nhà nước như Samsung, Hyundai, LG. Nhật Bản cũng có mô hình Japan Inc., với sự ra đời của các tập đoàn hùng mạnh như Mitsubishi, Mitsui, Toyota, Sony… Nguyên nhân thành công của hai mô hình này là sau khi củng cố năng lực sản xuất trên thị trường nội địa, họ đã xây dựng chiến lược chinh phục thị trường thế giới, xem thị trường thế giới là động lực phát triển của doanh nghiệp”.

Vinamilk là công ty duy nhất tại Đông Nam Á lọt Top 50 công ty sữa hàng đầu thế giới.

Vinamilk là công ty duy nhất tại Đông Nam Á lọt Top 50 công ty sữa hàng đầu thế giới.

Sứ mệnh đổi mới và cạnh tranh

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính khẳng định, chủ trương hình thành các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn thực hiện sứ mệnh mở đường và dẫn dắt doanh nghiệp Việt Nam là rất tích cực. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần bảo đảm để các doanh nghiệp đầu đàn này hoạt động bình đẳng như những thành phần kinh tế khác dựa trên nguyên tắc thị trường, bảo đảm hiệu quả và tuân thủ pháp luật.

Các DNNN này sẽ trở thành hình mẫu, xứng đáng ở vị trí đầu đàn về quản trị doanh nghiệp, đổi mới về khoa học công nghệ, có định hướng phát triển bền vững gắn với thực hiện trách nhiệm xã hội. Đây cũng là những yếu tố mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam cần thời gian dài để tích tụ đủ nguồn lực mới có thể thực hiện được. Đồng thời, việc xây dựng các doanh nghiệp đầu đàn cũng cần định hướng xây dựng hệ sinh thái theo từng ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi số, có tinh đột phá, đổi mới và có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế; trong đó các doanh nghiệp đầu đàn là trung tâm thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia, gia tăng giá trị của ngành, lĩnh vực.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn hoạt động theo kiểu “ăn xổi ở thì”, “mát mặt lúc nào hay lúc đấy” và cả tâm lý “xé rào”, đi tắt để kiếm lời cho nhanh. Với cách làm đó, khi tham gia thị trường quốc tế với các quy định, luật lệ khắt khe thì họ khó có thể tránh được vi phạm và sẽ không tồn tại được.

Việc ưu tiên nguồn lực để phát triển các doanh nghiệp đầu đàn không có nghĩa là ban cho họ đặc quyền đặc lợi, mà nên làm theo định hướng ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực và ngành nghề được lựa chọn. Từ đó, những doanh nghiệp lớn, đáp ứng đủ điều kiện theo tiêu chí cụ thể thì được lựa chọn để đi trước. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn vẫn được ưu đãi theo các tiêu chí nhất định, được nuôi dưỡng và phát triển trong cùng hệ sinh thái để xây dựng một chuỗi giá trị gia tăng.

Khi các doanh nghiệp nhỏ lớn lên về mặt quy mô và đáp ứng điều kiện cần thiết thì có thể dần thay thế vị trí mở đường và dẫn dắt của DNNN, qua đó thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường của doanh nghiệp Việt Nam. Cách làm này nhằm hạn chế tình trạng các doanh nghiệp quá lớn trở thành những con cá mập thâu tóm, tiêu diệt doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cùng ngành, lĩnh vực.

Để hình thành đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp uy tín, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài, phải có các doanh nghiệp dẫn dắt đi trước. Trong giai đoạn hiện nay, các DNNN quy mô lớn trong một số ngành, lĩnh vực có khả năng đổi mới, năng lực cạnh tranh cao phải đảm nhận sứ mệnh này. Do đó, cần xây dựng các tiêu chí và điều kiện thật cụ thể, quy trình và nguyên tắc để đảm bảo lợi ích của cả hệ sinh thái, gắn trách nhiệm của DNNN quy mô lớn trong việc xây dựng, duy trì hoạt động của các doanh nghiệp khác và của cả hệ sinh thái.

Theo một số chuyên gia kinh tế, để DNNN lớn mạnh, trước tiên cần đổi mới hoàn toàn phương thức quản trị của DNNN trên nguyên tắc họ có quyền tự chủ trong các quyết định, được mạo hiểm với các quyết định kinh doanh để dám tham gia đổi mới sáng tạo. Nhiều lúc, đúng và sai chỉ cách nhau một bước chân. Với doanh nghiệp tư nhân, người điều hành doanh nghiệp được trao quyền ra quyết định và chia sẻ rủi ro, tổn thất khi có sai sót. DNNN cũng cần theo nguyên tắc đó và được pháp luật bảo vệ quyền tự chủ thì mới có thể có những bước đi mang tính đột phá về quản trị và phát triển trong giai đoạn rất cần sự đổi mới sáng tạo hiện nay. Một số doanh nghiệp lớn có thể dẫn dắt một ngành sản xuất nào đó. Một doanh nghiệp sữa mạnh có thể kéo theo hàng trăm ngàn hộ kinh doanh cung ứng và sự thành công của họ sẽ tạo uy tín, giá trị cho thương hiệu sữa Việt Nam. Từ đó, nhiều doanh nghiệp khác có thể nối bước để cùng tạo một thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Ở những lĩnh vực khác, có thể thấy một số tập đoàn đã và đang thử, thậm chí mạo hiểm bước chân vào những hoạt động sản xuất, kinh doanh khác nhau, nỗ lực tạo sự khác biệt. Nếu thành công, chắc chắn họ sẽ góp phần thúc đẩy nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp này phát triển. Nếu họ không thành công, thì đó cũng là những bước “học và làm”, “thử và hiểu” cần thiết để dần xây dựng những tập đoàn lớn mạnh thật sự.

Viettel đã thành công và tiếp tục mở rộng đầu tư ở các thị trường như Campuchia, Lào, Mozambique, Tanzania, Peru, Myanmar...

Viettel đã thành công và tiếp tục mở rộng đầu tư ở các thị trường như Campuchia, Lào, Mozambique, Tanzania, Peru, Myanmar...

Niềm tin từ sự sòng phẳng

Theo một số chuyên gia kinh tế, ngay từ bây giờ, các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam nên có chiến lược phát triển hướng vào thị trường thế giới, như vậy mới tạo nên động lực phát triển bền vững và lâu dài cho họ và cho nền kinh tế quốc gia. Việt Nam hiện là nền kinh tế có độ mở lớn, mức độ hội nhập sâu rộng, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam đang tận dụng lợi thế này. Vậy, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được điều đó hay không? Đó chính là tăng dần tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Việc khuyến khích, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các tập đoàn công nghiệp tư doanh là một chủ trương phù hợp, nhưng điều quan trọng nhất là cần tạo dựng niềm tin để họ mạnh dạn tính kế lâu dài, dám dành trọn nguồn lực, tâm huyết, cuộc đời cho doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn hoạt động theo kiểu “ăn xổi ở thì”, “mát mặt lúc nào hay lúc đấy” và cả tâm lý “xé rào”, đi tắt để kiếm lời cho nhanh. Với cách làm đó, khi tham gia thị trường quốc tế với các quy định, luật lệ khắt khe thì họ khó có thể tránh được vi phạm và sẽ không tồn tại được.

Doanh nghiệp quy mô lớn có vai trò dẫn dắt là đúng đắn nhưng cần chú ý bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật. Hiện còn quá sớm khi nhắc đến tình trạng doanh nghiệp thân hữu, nhưng vẫn cần lường trước. Để làm được điều này, cần bảo đảm tính cạnh tranh công bằng trong nền kinh tế. Doanh nghiệp quy mô lớn không thể phát triển theo hướng độc chiếm, khống chế thị trường, tích tụ quyền lực kinh tế quá lớn làm triệt tiêu cạnh tranh.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn chia sẻ: “Nhìn lại lịch sử có thể thấy, người Việt Nam có tố chất kinh doanh rất tốt, linh hoạt và năng động khi tham gia thị trường. Doanh nhân hiện nay chính là hào kiệt, là tinh hoa của đất nước. Đúng như Nguyễn Trãi đã nhận định trong Bình Ngô Đại Cáo, “dẫu yếu mạnh có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”, nước ta thời nào cũng có những hào kiệt sẵn sàng góp sức cho đất nước hùng mạnh. Điều quan trọng nhất là cần có chủ trương chính sách minh bạch, lâu dài để doanh nghiệp an tâm làm ăn.

Chuyên đề