ƯỚC VỌNG DOANH NGHIỆP ĐẦU ĐÀN - Bài 3: Đi tìm cơ chế cho “sếu đầu đàn”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Để khôi phục và phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng nòng cốt, trên tuyến đầu.

Làm thế nào để đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường là vấn đề được đặt ra. Thông điệp mạnh mẽ tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về việc xây dựng và phát triển các doanh nghiệp lớn chính là điểm tựa niềm tin vững chắc cho cộng đồng doanh nghiệp vươn lên, bay cao, bay xa.

Báo Đấu thầu trân trọng giới thiệu loạt bài “Ước vọng doanh nghiệp đầu đàn” góp thêm góc nhìn và phân tích việc hiện thực hóa ước vọng này.

Sếu đầu đàn” phải làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo và phải có thương hiệu dần vươn ra khu vực và toàn cầu lan tỏa thúc đẩy các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Ảnh: Lê Tiên

Sếu đầu đàn” phải làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo và phải có thương hiệu dần vươn ra khu vực và toàn cầu lan tỏa thúc đẩy các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Ảnh: Lê Tiên

Bài 3: Đi tìm cơ chế cho “sếu đầu đàn”

Gây dựng “sếu đầu đàn” là những doanh nghiệp (DN) lớn đóng vai trò dẫn dắt, mở đường, lan tỏa cho DN khác cùng phát triển được xem là bước đi có tính chất quyết định để Việt Nam xây dựng được lực lượng DN lớn mạnh. Bởi, đây cũng là một trong những giải pháp để Việt Nam xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự cường trong bối cảnh kinh tế - xã hội thế giới đầy biến động, từ đó hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng.

Phải vươn ra biển lớn

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Đại hội XIII của Đảng không chỉ coi trọng củng cố, phát triển các tập đoàn kinh tế nhà nước (doanh nghiệp nhà nước - DNNN), mà còn khuyến khích, tạo điều kiện cho sự hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân (doanh nghiệp tư nhân - DNTN) có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Các DN này, không phân biệt khu vực nhà nước hay tư nhân, sẽ là những “sếu đầu đàn” với một diện mạo mới. Sếu đầu đàn” phải làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo và phải có thương hiệu dần vươn ra khu vực và toàn cầu lan tỏa thúc đẩy các DN khác cùng phát triển.

Ông Nguyễn Tiên Phong, Trưởng phòng Tăng trưởng bao trùm của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, nếu DN lớn mà chỉ nhằm vào thị trường nội địa với 100 triệu dân thì không thể thành “sếu”. “Sếu” là phải vươn ra biển lớn để “thi đấu” quốc tế bằng chất lượng và hiệu quả kinh doanh để khẳng định năng lực cạnh tranh”, ông Phong nhấn mạnh.

Hiện thực hóa chủ trương của Đảng, tại các đề án phát triển kinh tế hay chính sách đã và đang được Chính phủ xây dựng và ban hành đều nhấn mạnh việc hỗ trợ DN phục hồi sau đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phát triển. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ DN có khả năng dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng tạo động lực tăng trưởng mới, DN sử dụng nhiều lao động, có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, DN khởi nghiệp sáng tạo, DN công nghệ cao vươn lên thành “sếu đầu đàn”.

Điển hình như Dự thảo Đề án phát triển DNNN quy mô lớn của Chính phủ đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện cũng nêu rõ điều này. Theo Dự thảo Đề án, Chính phủ dự kiến sẽ lựa chọn thí điểm phát triển “sếu đầu đàn” ở một số lĩnh vực kinh tế như: năng lượng tái tạo; cảng biển và logictics; công nghiệp công nghệ cao… nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho DN thuộc các thành phần kinh tế khác.

Khẳng định đây là hướng đi phù hợp không chỉ cho DNNN mà còn cho khu vực tư nhân, TS. Võ Trí Thành cho rằng, phải đẩy mạnh tái cấu trúc khu vực DNNN đáp ứng với những đòi hỏi, thay đổi trong bối cảnh mới về công nghệ, quản trị, đổi mới sáng tạo... để hoạt động hiệu quả, lan tỏa tích cực hơn đối với kinh tế - xã hội. Tương tự, với khu vực kinh tế tư nhân, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để đưa khối DN này lớn mạnh, vươn ra thế giới.

Đến thời điểm này, Việt Nam đã có đội ngũ trên 800.000 DN, bao gồm một số tập đoàn kinh tế lớn, song DN Việt Nam chưa mạnh. Số lượng DN vừa, DN nhỏ và DN siêu nhỏ còn lớn (trên 97% tổng số DN Việt Nam) với năng lực cạnh tranh yếu. “Số DN quan tâm đến nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo dù có chuyển biến nhưng chưa phổ biến, đại trà. Những khiếm khuyết của khu vực này như năng lực quản trị còn yếu; liên kết lỏng lẻo; tài chính hạn chế… vẫn chưa được giải quyết”, ông Thành chỉ ra.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), tình trạng DNTN sợ lớn, hoặc muốn nhưng không lớn được cũng là điều mà ông trăn trở lâu nay. “Một phần là do thể chế, cơ chế còn bất cập, pháp luật không rõ ràng, chồng chéo khiến DN khó tiên liệu. DN quy mô càng lớn, kinh doanh càng đa ngành càng phải đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý. Ngoài ra chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa hợp lý, chưa đủ lớn và đủ mạnh để các DNTN tăng thêm nguồn lực, vượt qua rào cản, để yên tâm mở rộng đầu tư phát triển… Những hạn chế này là nguyên nhân khiến DN Việt Nam vẫn chủ yếu là DN nhỏ, siêu nhỏ, còn những DN cỡ vừa rất ít”, ông Cung lý giải.

Chính phủ dự kiến sẽ lựa chọn thí điểm phát triển “sếu đầu đàn” ở một số lĩnh vực kinh tế như: năng lượng tái tạo; cảng biển và logictics; công nghiệp công nghệ cao… Ảnh: Lê Tiên

Chính phủ dự kiến sẽ lựa chọn thí điểm phát triển “sếu đầu đàn” ở một số lĩnh vực kinh tế như: năng lượng tái tạo; cảng biển và logictics; công nghiệp công nghệ cao… Ảnh: Lê Tiên

Chắp cánh cho “sếu đầu đàn” từ đâu?

Với bài toán đưa DN phát triển, trong đó hình thành được “sếu đầu đàn”, theo ông Võ Trí Thành, Chính phủ cần tạo dựng “cột kèo” cho các tập đoàn lớn mạnh đúng nghĩa. Đó là DN lớn không chỉ là có vốn nhiều mà phải có “chất”. Chất ở đây là DN phải làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo và có thương hiệu quốc tế; còn lớn là phải có tính lan tỏa, tạo cơ hội cho các DN khác phát triển.

Theo ông Thành, trước hết cần tạo dựng “nền móng” tốt để DNTN lớn lên. Ở đó, DN có môi trường kinh doanh thuận lợi, ít rủi ro; DN có cơ hội tiếp cận nguồn lực để tăng sức cạnh tranh…

Còn với DNNN, kinh tế Việt Nam đã hội nhập, sự lớn mạnh của “sếu đầu đàn” phải là hoạt động theo nguyên tắc của thị trường, tuân thủ các cam kết quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để vươn ra biển lớn. Muốn phát triển DNNN thành “sếu” thì cần đổi mới tư duy, quản trị DNNN, làm sao để lãnh đạo DN dám làm, dám đổi mới và có cơ chế lương hấp dẫn cho lãnh đạo DNNN.

Có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực đất nước hạn chế, cơ chế chính sách hỗ trợ cần hướng vào người đang trên hành trình thắng cuộc chứ không phải là lựa chọn người thắng cuộc, tức là chỉ hỗ trợ những DN có năng lực và có cạnh tranh thực sự.

“Cách nuôi dưỡng như vậy sẽ hiệu quả vì DN Việt Nam đang ở những bước phát triển khác nhau, nhưng họ đều đang mày mò đi lên. Do đó, không nhất thiết phải chọn những DN đã lớn, mà có thể chọn DN đang cố gắng vươn lên, đang xuất khẩu mạnh…, hoặc chọn DN thuộc những ngành đang có cơ hội phát triển để hỗ trợ”, ông Nguyễn Tiên Phong nhìn nhận.

Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, việc phát triển “sếu” nên chỉ hướng vào một số ít DN, không phân biệt nhà nước hay tư nhân trên cơ sở xem xét 5 tiêu chí. Thứ nhất, lĩnh vực của DN đó có thị trường không? Thứ hai, DN có áp dụng khoa học công nghệ và có năng suất lao động cao không? Thứ ba, DN có khả năng huy động được nguồn tài chính không? Thứ tư, DN có định hướng xanh, sạch bảo vệ môi trường không? Và thứ 5 là nguồn nhân lực có đủ không và nếu không đủ thì có đào tạo cung cấp được không?.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cung tiếp tục nhấn mạnh thông điệp, muốn gây dựng được “sếu đầu đàn”, cần có cơ chế và thể chế tốt và môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khuyến khích, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế lớn.

Đề cập thêm về cách thức chắp cánh cho “sếu đầu đàn”, ông Nguyễn Tiên Phong gợi ý: “Nhà nước hãy giúp DN. Ở giai đoạn startup, Chính phủ nên hỗ trợ về thị trường để DN có cơ hội vươn lên. Với nhóm DN đang vươn lên thì Chính phủ phải có chính sách khôn khéo, linh hoạt hỗ trợ DN chiếm lĩnh thị trường, đa dạng hóa thị trường hay nếu DN làm R&D tốt nhưng chưa biết quảng bá thương hiệu thì Chính phủ phải bắt tay vào hỗ trợ DN…”.

Chuyên đề