Với chỉ đạo mới của UBND tỉnh Tuyên Quang, hy vọng Chỉ thị số 47/CT-TTg của Thủ tướng được triển khai đầy đủ, hiệu quả trong thực tiễn đấu thầu tại địa phương này. Ảnh: Gia Khoa |
Liệu hoạt động đấu thầu có cải thiện hay không khi trong năm 2016 và 2017, có nhiều vụ việc nổi cộm tại địa phương này?
Dư âm các vấn đề nổi cộm trong đấu thầu
Trong báo cáo công tác đấu thầu năm 2016 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tuyên Quang đã nêu tên 10 chủ đầu tư không thực hiện báo cáo theo quy định, trong đó có 3 Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương Binh và Xã hội, Nội vụ; 5 huyện/thành phố: UBND TP. Tuyên Quang, huyện Sơn Dương, huyện Yên Sơn, huyện Na Hang và huyện Lâm Bình; 1 trường đại học (Trường Đại học Tân Trào) và HĐND tỉnh Tuyên Quang.
Ngoài việc không thực hiện báo cáo định kỳ, một số chủ đầu tư/bên mời thầu còn không thực hiện đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu... Điều này cho thấy nhiều chủ đầu tư/bên mời thầu chưa nghiêm túc thực hiện pháp luật về đấu thầu.
Từ thực tế thanh kiểm tra hoạt động đấu thầu, Tuyên Quang cũng thừa nhận những tồn tại, yếu kém trong công tác đấu thầu như chất lượng hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu (HSMT/HSYC) chưa đáp ứng yêu cầu. Đơn cử: còn có tiêu chí thấp hoặc cao so với yêu cầu của gói thầu; chất lượng tư vấn còn hạn chế ảnh hưởng tới chất lượng tư vấn chưa cao và thời gian thực hiện hợp đồng của một số gói thầu xây lắp còn bị kéo dài...
Qua phản ánh của nhà thầu và khảo sát của Báo Đấu thầu, trong 2 năm qua, tại Tuyên Quang đã phát hiện một số dấu hiệu về tình trạng đấu thầu khép kín, nhà thầu địa phương “bao thầu” trên “sân nhà”. Thậm chí, theo phản ánh của nhiều nhà thầu ở các địa phương khác, họ bị “dân anh chị” cản trở khi đến Sở Công Thương Tuyên Quang mua HSMT Gói thầu Thi công xây dựng công trình Đường dây, trạm biến áp cấp điện cho bản Nà Coóc, Bắc Danh, xã Thanh Tương, huyện Na Hang và thôn Khuổi Chang, Khuổi Củng, xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình thuộc Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2013 - 2020. Tuy vậy, Gói thầu vẫn được tiến hành đóng/mở thầu bình thường.
Tại một số dự án BT, dù chưa phê duyệt đề xuất dự án, nhưng có nhà đầu tư đã khẳng định như đinh đóng cột là đang triển khai giải phóng mặt bằng để sẵn sàng thi công.
Xử lý nghiêm vi phạm
Tại Văn bản số 50/UBND-ĐTXD, UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu lãnh đạo các đơn vị phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung Chỉ thị số 47/CT-TTg của Thủ tướng về công tác đấu thầu. Đặc biệt, nghiêm khắc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu và không tuân thủ các nội dung tại Chỉ thị và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chỉ đạo chủ đầu tư, bên mời thầu thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện những nội dung yêu cầu tại Chỉ thị, đặc biệt là công tác công khai thông tin và thực hiện đấu thầu qua mạng.
Trường hợp để xảy ra những vi phạm trong quá trình lựa chọn nhà thầu như thông thầu, “quân xanh, quân đỏ”, quây thầu, vây thầu, gian lận, cản trở..., thì căn cứ mức độ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, lãnh đạo các đơn vị phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, UBND Tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, không bố trí vốn hoặc điều chuyển vốn sang các dự án khác đối với những dự án mà do chủ đầu tư, bên mời thầu được xác định là vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu dẫn đến nhà thầu có kiến nghị, khiếu nại, tố cáo kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, gói thầu...
Văn bản của UBND tỉnh Tuyên Quang được đánh giá là thể hiện khá quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Chỉ thị số 47/CT-TTg. Dư luận hi vọng địa phương này sẽ đảm bảo công khai thông tin, cạnh tranh công bằng trong hoạt động đấu thầu trong thời gian tới.