Tránh cuộc đua xuống đáy về hỗ trợ ngoài thuế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt, cùng với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, để giữ chân, thu hút thêm nhà đầu tư lớn sẽ có nhiều việc phải làm, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) xung quanh những vấn đề này.
Chính phủ có thể hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài chịu tác động của việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nhà ở cho công nhân… Ảnh: Lê Tiên
Chính phủ có thể hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài chịu tác động của việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nhà ở cho công nhân… Ảnh: Lê Tiên
Ông Nguyễn Văn Toàn

Ông Nguyễn Văn Toàn

Ông nhận định như thế nào về kết quả thu hút ĐTNN của Việt Nam qua 8 tháng của năm 2023?

Những số liệu về thu hút ĐTNN 8 tháng cho thấy xu hướng tốt lên, vốn đăng ký, vốn thực hiện đều tăng.

Có hai số liệu rất tích cực từ kết quả thu hút ĐTNN 8 tháng là vốn đầu tư thực hiện và góp vốn mua cổ phần tăng lên, vì đây là dòng tiền trực tiếp đưa ngay vào nền kinh tế. Số vốn thực hiện tăng cho thấy nhà ĐTNN đang phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Số vốn góp mua cổ phần tăng cho thấy doanh nghiệp (DN) Việt Nam đủ năng lực, hấp dẫn để DN nước ngoài góp vốn. Nhà ĐTNN góp vốn vào những DN đang hoạt động sẽ đưa nguồn vốn, công nghệ, thương hiệu vào, thúc đẩy sự phát triển của DN Việt Nam.

Một số ý kiến từng lo ngại khi Việt Nam tham gia thuế tối thiểu toàn cầu, luồng vốn đầu tư vào Việt Nam sẽ chững lại, một số nhà đầu tư sẽ rời khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến bây giờ điều đó đã không xảy ra và tôi cho rằng sẽ không xảy ra, khó khăn đã dịu bớt. Trong thời gian tới, nhà ĐTNN có thể vẫn giữ nhịp độ đầu tư và có thể gia tăng.

Dù vậy, việc tham gia thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 chắc chắn sẽ có tác động lớn đến nhà đầu tư lớn đang có đầu tư tại Việt Nam và có kế hoạch đầu tư. Việt Nam phải có ứng xử như thế nào trong thời điểm quan trọng này?

Chính phủ Việt Nam ủng hộ, quyết định tham gia thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.

Hiện nay, không thể thay đổi luật thuế trong thời gian ngắn được, vì thế cần có nghị quyết của Quốc hội ban hành những chính sách hỗ trợ đầu tư phù hợp hướng đến những DN thuộc đối tượng chịu tác động của việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Nghị quyết cần đưa ra lộ trình, nguyên tắc, chính sách chung đối với nhà đầu tư chịu tác động khi Việt Nam thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Về hỗ trợ cụ thể, do số DN sẽ thuộc diện điều chỉnh của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam không nhiều, Chính phủ nên đàm phán với nhà đầu tư theo nhóm để xác định hỗ trợ phù hợp theo đặc điểm loại hình DN, để nhà đầu tư thấy thỏa đáng, không muốn rời khỏi Việt Nam. Nhà đầu tư chắc chắn sẽ có sự so sánh, ở lại Việt Nam được lợi gì hơn. Ví dụ có thể hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nhà ở cho công nhân… Giải pháp đưa ra cần chú ý không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, các cam kết quốc tế, phù hợp thực tiễn Việt Nam.

Các chính sách đưa ra phải có lộ trình áp dụng, tạo sự ổn định, không đột ngột.

Tôi cho rằng, thu hút ĐTNN bằng giảm thuế là phương pháp cổ điển, không nên dùng mãi, nếu không có cú hích từ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì cũng nên có lộ trình thay đổi. Nhiều quốc gia đã tham gia vào cuộc cạnh tranh xuống đáy về thuế, giảm thuế suất thuế thu nhập DN về mức thấp nhất, thậm chí không thu thuế. Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, sẽ thoát được cuộc cạnh tranh xuống đáy về thuế, nhưng các nước, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực ASEAN, vốn có nhiều điểm tương đồng về thu hút ĐTNN, không nên chạy theo cuộc cạnh tranh xuống đáy bằng các giải pháp khác.

Nhiều nhà đầu tư cho biết, họ quan tâm đến Việt Nam không chỉ vì ưu đãi thuế, mà còn bởi những lợi thế khác. Vậy phải làm gì để tiếp tục củng cố lợi thế, thưa ông?

Đúng vậy, các ưu đãi chỉ có thời hạn, điều quan trọng hơn là cải thiện môi trường đầu tư tốt lên ở những lĩnh vực khác.

Theo tôi, “quả bóng” hiện đang trong chân Chính phủ.

Thứ nhất, phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; đào tạo tốt nguồn nhân lực đáp ứng dự án có công nghệ cao; thủ tục hành chính thông thoáng hơn; đầu tư cho công nghệ, số hóa thủ tục hành chính, thuận tiện hơn thủ tục hải quan, kho bãi, cải thiện chất lượng hạ tầng, giảm chi phí logistics… Cải thiện năng lực, đạo đức của công chức, chống tham nhũng, giảm chi phí không chính thức là vấn đề rất quan trọng đối với các nhà đầu tư đến từ các quốc gia phát triển. Thời gian qua Việt Nam đã có nhiều cải thiện nhưng so với khu vực và kỳ vọng vẫn còn thấp.

Thứ hai là thúc đẩy DN Việt Nam phát triển, tham gia được vào chuỗi sản xuất của nhà ĐTNN để đạt lợi ích kép, vừa thu hút được ĐTNN vừa phát triển DN trong nước, tăng tính lan tỏa về mặt công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Thứ ba, cần hoàn thiện, sửa đổi luật pháp phù hợp với các xu thế mới. Trong đó, cần lưu ý khung khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu phát triển của công nghệ như chuyển đổi số, chữ ký số, hợp đồng điện tử, buôn bán trên mạng; nội luật hóa quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, luật thuế thay đổi kéo theo nhiều quy định khác, cần phải nghiên cứu, đánh giá…

Chuyên đề