Huy động nguồn vốn xã hội hóa sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của Sở Giao thông vận tải TP.HCM. Ảnh: Tất Tiên |
Ưu tiên hàng đầu của TP.HCM là thực hiện các dự án này theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) với nhiều dạng hợp đồng phù hợp.
Nhiều khó khăn khi triển khai dự án PPP
Là địa phương đi đầu trong việc xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông, TP.HCM có nhiều thực tiễn để nhìn nhận những khó khăn khi triển khai các dự án PPP. Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, một số khó khăn đã nảy sinh trong quá trình triển khai các dự án PPP như công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm, không bảo đảm tiến độ, làm tăng chi phí và tiềm ẩn rủi ro đầu tư. Quỹ đất hoàn trả đa phần là nhỏ lẻ, manh mún và thường là chưa GPMB làm cho tổng nguồn vốn đầu tư tăng cao, dẫn tới không đủ khả năng hoàn trả chi phí của nhà đầu tư.
Với hình thức BOT, do các tuyến đường ngắn nên không thể đặt nhiều trạm thu phí, lượng phương tiện giao thông bị chia sẻ không qua trạm thu phí làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoàn vốn công trình. Bên cạnh đó, nhà đầu tư tham gia các dự án giao thông chủ yếu là nhà đầu tư trong nước có năng lực tài chính chưa mạnh, ít kinh nghiệm đầu tư, quản lý khai thác và chưa am hiểu nhiều về đầu tư PPP. Các nhà đầu tư chưa đánh giá được toàn diện, dài hạn được rủi ro nên khi triển khai còn gặp vướng mắc.
Những năm tiếp theo đến 2020, trung bình mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư cần khoảng 50.000 tỷ đồng cho hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, TP.HCM chỉ có thể đáp ứng khoảng 6.000 tỷ đồng (khoảng 25%). Nếu kể cả nguồn ODA và ngoài ngân sách cũng chỉ đáp ứng được khoảng 8.500 tỷ đồng. Do vậy, việc kêu gọi đầu tư bằng hình thức PPP cần được đẩy mạnh.
Ngoài ra, những hạn chế trong công tác lựa chọn nhà đầu tư của nhiều đơn vị đã bộc lộ rõ. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư thuộc Sở GTVT TP.HCM, nhiều đơn vị được giao tổ chức lựa chọn nhà đầu tư còn thụ động trong việc giới thiệu thông tin dự án cần được xã hội hóa đến các nhà đầu tư nên nhiều nhà đầu tư chậm tiếp cận thông tin, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, chưa có biện pháp hữu hiệu nhằm đánh giá sơ bộ nhà đầu tư có khả năng tài chính, kinh nghiệm phù hợp với quy mô cũng như phương thức hoàn vốn dự án. Một số thành viên đàm phán hợp đồng đôi khi còn cứng nhắc, suy nghĩ chủ quan, mang tính quản lý nhà nước. Nhân sự tham gia công tác xúc tiến đầu tư còn yếu, dẫn tới nhiều tình huống xử lý còn lúng túng, kéo dài.
Tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án đã có trong quy hoạch
Sở GTVT TP.HCM cho biết, trong thời gian từ nay đến năm 2020, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư sẽ là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của đơn vị. Theo đó, đối với giao thông bộ, đường sắt, các dự án đã có nhà đầu tư quan tâm cần hoàn tất thủ tục lựa chọn để triển khai thi công. Tiếp tục kêu gọi đầu tư đối với các dự án đã có trong quy hoạch như các tuyến đường trên cao, các tuyến hướng tâm, đường sắt đô thị mang tính chất kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông.
Đối với các dự án bãi xe ngầm khu vực trung tâm, ngay trong năm 2016 phải hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà đầu tư để tiến hành khởi công. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi đầu tư các bến bãi vận tải hành khách, hàng hóa… Đối với đường thủy, TP.HCM sẽ nỗ lực kêu gọi đầu tư nạo vét các luồng tuyến thủy nội địa, đặc biệt là luồng Soài Rạp giai đoạn 3.
Để các dự án PPP hạ tầng giao thông tại TP.HCM thực sự khởi sắc, Sở GTVT TP.HCM cho rằng, cần tập trung củng cố nhân sự tham gia bộ phận xúc tiến đầu tư, nâng cao trình độ cán bộ thực hiện dự án PPP. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện lập đề xuất dự án và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư PPP. Thông tin sớm và đầy đủ cho các nhà đầu tư hiểu rõ phương thức đầu tư nhằm giúp nhà đầu tư có lựa chọn phù hợp khả năng tài chính.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết thêm, hiện đơn vị này đang phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM gấp rút hoàn thiện Đề án Xây dựng cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP.
“Thành phố sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư đã và đang quan tâm đến các dự án PPP, đặc biệt là trong lĩnh vực hạ tầng giao thông”, ông Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển TP.HCM khẳng định. Đề án Xây dựng cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP đang được kỳ vọng rất lớn để giúp TP.HCM phát huy tối đa những đột phá của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP. PPP cũng đang là giải pháp hàng đầu nhằm góp phần hạn chế tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông cho Thành phố.