Nhiều nhà đầu tư “kêu” thiếu thông tin về dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên |
Kỳ vọng nhiều vào PPP
Tại Tọa đàm “Hình thức đối tác công tư từ góc độ nhà đầu tư” do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức ngày 26/1, ông Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM khẳng định: “Thành phố sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư quan tâm đến các dự án đầu tư theo hình thức PPP”.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đang gấp rút hoàn thiện Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP. “Với TP.HCM, PPP đang trở nên vô cùng cấp bách và cần thiết. Sự phát triển hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố được kỳ vọng rất nhiều vào mô hình này”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng kinh tế chia sẻ: “Với cách tiếp cận đặt nhà đầu tư vào trung tâm, lấy dự án để khảo sát, những câu hỏi cụ thể về các vấn đề như: Làm thế nào để đánh giá năng lực nhà đầu tư? Các nhà đầu tư thường quan tâm đến loại dự án nào? Khi thực hiện đàm phán hợp đồng, khâu nào khó khăn nhất để các bên có thể đạt được thỏa thuận? Thành phố nên có những chính sách hỗ trợ như thế nào đối với các dự án PPP?... đã được chúng tôi gửi trực tiếp cho các nhà đầu tư để thăm dò, khảo sát cũng như đánh giá mức độ quan tâm, những quan ngại của các nhà đầu tư, từ đó xây dựng khung chính sách thật sự phù hợp”.
Theo đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM, khi thực hiện Đề án, Thành phố xác định, PPP sẽ tiếp cận theo “đầu ra” của dự án. Do đó, việc xây dựng các các tiêu chí để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ hoàn toàn khác cách làm “đầu vào” như đấu thầu lựa chọn nhà thầu dự án sử dụng ngân sách. “Quan điểm của chúng tôi là các dự án PPP khi triển khai tại TP.HCM cần có sự hài hòa giữa Nhà nước và nhà đầu tư về chi phí sử dụng vốn, chia sẻ rủi ro một cách minh bạch. Thành phố đang nỗ lực để xây dựng một khung chính sách ưu đãi, có sức hấp dẫn với mọi nhà đầu tư”, đại diện Sở KH&ĐT TP.HCMcho biết.
Thay đổi cách tiếp cận từ phía Nhà nước
Ông Phạm Xuân Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận cho biết, là một nhà đầu tư có thâm niên trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp (Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu chế xuất Tân Thuận), khu đô thị (Phú Mỹ Hưng) nên Tân Thuận rất quan tâm đến hình thức PPP. “Chúng tôi đang mời gọi đầu tư 3 dự án lớn là Khu cảng hạ lưu Hiệp Phước, Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 3 và Khu đô thị Hiệp Phước. Đồng thời, khi Thành phố chủ trương kêu gọi nhà đầu tư tham gia các dự án PPP hạ tầng giao thông, chúng tôi cũng quan tâm nhiều và đã tiến hành nghiên cứu khả thi dự án trục giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Các dự án PPP hạ tầng, đặc biệt là lĩnh vực giao thông, đòi hỏi phải huy động một nguồn lực rất lớn nên nhà đầu tư mong muốn có sự chia sẻ, hỗ trợ từ nhiều góc độ của Thành phố. Bên cạnh đó, vấn đề trách nhiệm giải phóng mặt bằng, tiến độ giải phóng mặt bằng tác động rất lớn đến hiệu quả của dự án. Do đó, sự đảm bảo chắc chắn của Thành phố về vấn đề này sẽ thực sự khiến các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến các dự án PPP hơn”, ông Phạm Xuân Trung chia sẻ.
Ông Trần Văn Thi, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết, nhà đầu tư cần nhiều thông tin về các dự án PPP. “Hiện nay, thông tin liên quan đến các dự án PPP còn quá ít, nếu có cũng rất vắn tắt. Cần cởi mở cung cấp thông tin đa dạng hơn cho các nhà đầu tư để giúp nhà đầu tư có nhiều cơ hội tiếp cận với dự án. Quyền lợi và trách nhiệm của Nhà nước và nhà đầu tư cần được san sẻ như nhau trong triển khai dự án PPP. PPP không thể dung túng cho cơ chế xin cho vì nó sẽ triệt tiêu tính cạnh tranh, sự hiệu quả trong đầu tư PPP. Nhà nước cần thay đổi cách tiếp cận khi triển khai dự án PPP, không còn tư duy “kèo trên”, “kèo dưới” gây nên sự cạnh tranh thiếu bình đẳng như trước”, ông Trần Văn Thi nêu quan điểm.
Đại diện của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM góp ý, giá trị hợp đồng một dự án PPP cần được xây dựng mang tính bền vững, tính pháp lý cao để nhà đầu tư có thể đảm đương suốt chặng dài của dự án.