Năm 2015, Nghệ An đã thu hút được hơn 100 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 87.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Mỗi địa phương sẽ có những chính sách, cơ chế đặc thù để thu hút vốn đầu tư vào các dự án PPP. Trong đó, điều quan trọng nhất là mỗi địa phương phải cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thì mới có thể thu hút được nhà đầu tư.
Đó là những chia sẻ của ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An với Báo Đấu thầu về những cơ chế, chính sách riêng của địa phương trong việc thu hút nhà đầu tư PPP.
Ông đánh giá thế nào về khung pháp lý PPP hiện nay?
Tôi đánh giá PPP là một chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước để thu hút các nguồn lực bên ngoài nhà nước vào phát triển đất nước. Đây không chỉ là xu thế quốc tế mà trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước có hạn, PPP sẽ là phương thức hữu hiệu để hút vốn đầu tư vào nhiều lĩnh vực, phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước. Trước đây, khi mà khung pháp lý về PPP chưa đồng bộ, đầy đủ thì các dự án PPP ở nước ta chủ yếu là dạng hợp đồng BOT, BT. Nhưng hiện nay, khung pháp lý về PPP đã tương đối đầy đủ, các dạng thức thu hút vốn theo hình thức PPP cũng phong phú hơn. Tuy nhiên, để có thể tạo sức hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư thì theo tôi, Nhà nước vẫn cần hoàn thiện hơn nữa chính sách về PPP.
Hiện nay, theo quy định, các dự án PPP phải đấu thầu. Tuy nhiên, một số địa phương khi chưa có mặt bằng sạch đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Điều này sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư trúng thầu vì chưa có mặt bằng sạch thì sẽ khó triển khai dự án.
Trong hoạt động thu hút đầu tư, mỗi địa phương sẽ có những cách làm, cơ chế đặc thù, nhưng theo tôi, cải thiện và nâng cao chỉ số PCI là việc đầu tiên mà chính quyền địa phương phải làm để thu hút nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước. Việc nâng cao PCI sẽ cải thiện và tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng và thuận lợi cho nhà đầu tư. Ở Nghệ An, những năm vừa qua, Tỉnh đã cải cách, giảm bớt nhiều thủ tục rườm rà cho nhà đầu tư. Để đầu tư một dự án, nhà đầu tư chỉ cần làm tất cả thủ tục hành chính tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư của Tỉnh, với quy trình cấp phép đầu tư dự án không quá 28 ngày đối với dự án thông thường, và không quá 2 tuần đối với một số dự án có quy mô nhỏ. Hàng năm, Tỉnh đều tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, qua từng năm đều rút kinh nghiệm và có những chính sách thu hút nhà đầu tư hấp dẫn hơn như: hỗ trợ xây dựng hạ tầng; hỗ trợ đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án... Nhờ những nỗ lực đó, năm 2015, Tỉnh đã thu hút được hơn 100 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 87.000 tỷ đồng, tạo dựng niềm tin cho những nhà đầu tư đã và đang đầu tư tại Nghệ An.
Là lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, ông đã thực sự hài lòng với thực tiễn thu hút đầu tư của Tỉnh?
Tôi vẫn chưa thực sự hài lòng dù thời gian qua, Nghệ An đã có những dự án đầu tư có quy mô lớn được triển khai như Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP), Nhà máy Royal Foods, Nhà máy Tôn Hoa Sen, Nhà máy Masan). Nghệ An có nhiều lợi thế về tài nguyên, văn hóa bản địa; hạ tầng hiện cũng đã được đầu tư đồng bộ cả sân bay, cảng biển, đường bộ. Mặc dù chỉ số PCI của Nghệ An đã được cải thiện nhưng mới xếp thứ 28 trong năm 2014 (năm 2013, Nghệ An đứng thứ 46 về chỉ số PCI). Trong thời gian tới, Tỉnh sẽ phấn đấu vào top 10 tỉnh/thành phố thu hút đầu tư tốt nhất trong cả nước. Phương châm của Tỉnh là tập trung hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp (mặt bằng, điện nước, dịch vụ); hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để tạo diều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư; tạo môi trường lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh; tập trung giải phóng mặt bằng các dự án đã được cấp phép đầu tư…; ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng dịch vụ công; kiểm tra sát sao chất lượng dịch vụ công và cam kết sẽ làm tốt hơn trong thời gian tới để thực sự làm hài lòng các nhà đầu tư.
Trân trọng cảm ơn ông!