Đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất của 12.919 địa chỉ nhà đất trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Lê Tiên |
Đẩy mạnh bán đấu giá nhà, đất công
Năm 2016, nhiệm vụ dự toán thu ngân sách của TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu là 298.300 tỷ đồng (tăng 12,24% so dự toán năm 2015 và tăng 9,53% so với số thực hiện năm 2015). Để hoàn thành chỉ tiêu này đối với chính quyền Thành phố là cả một bài toán nan giải trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Phát biểu mới đây tại Hội nghị triển khai hoạt động ngành tài chính TP.HCM năm 2016, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Văn Khoa nhìn nhận chỉ tiêu tăng thu ngân sách là rất nặng, nhưng chốt lại vẫn phải nỗ lực hoàn thành, cần làm tốt công tác quản lý thu.
Cần nhắc lại, tổng thu ngân sách của Thành phố năm 2015 đạt 280.985 tỷ đồng (tăng 11,42% so với năm trước đó). Nhưng để tăng thu theo chỉ tiêu năm nay, lãnh đạo Sở Tài chính Thành phố cho biết sẽ phải rà soát những khoản phí, lệ phí để đề xuất UBND TP.HCM trình HĐND Thành phố điều chỉnh mức thu các loại phí và lệ phí, phù hợp với tình hình thực tế của Thành phố.
Cũng theo Sở Tài chính, sẽ đẩy mạnh việc khai thác từ chuyển quyền sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước qua xử lý, sắp xếp theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. Theo đó, sở này sẽ rà soát Danh mục các mặt bằng và địa chỉ nhà đất không sử dụng hoặc sử dụng lãng phí, những mặt bằng đã có chủ trương cho chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chủ đầu tư chưa triển khai để thu hồi, tổ chức bán đấu giá.
Đến nay, UBND TP.HCM và Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất của 12.919 địa chỉ nhà đất (riêng năm 2015 là 122 địa chỉ). Tổng số tiền thu được từ việc bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất ở Thành phố khi thực hiện Quyết định số 80/2001/QĐ-TTg về xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.HCM từ năm 2001 đến nay là 18.889 tỷ đồng.
Trong báo cáo của Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND TP.HCM gần đây cũng có nêu, năm 2016, Thành phố được Trung ương giao phải thu ngân sách từ tiền sử dụng đất là 13.400 tỷ đồng. Thế nhưng nguồn thu này trong năm 2016 chỉ có khả năng đạt 6.500 tỷ đồng.
Mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết sẽ tổ chức đấu giá 23 “khu đất vàng” của Thành phố với tổng diện tích 137.700 m2 trong năm 2016. Nếu đấu giá thành công sẽ mang lại nguồn thu dồi dào cho ngân sách.
Nhưng giới quan sát kinh tế cho rằng, điều cốt lõi là cần tránh việc đấu giá các “khu đất vàng” có dấu hiệu tổ chức khép kín, cần công khai, minh bạch, chấm dứt hiện tượng quân xanh, quân đỏ, nhằm chống thất thu, gây ra thiệt hại lớn cho Nhà nước.
Tăng thu nội địa
Ngoài nguồn thu từ nhà đất, thực tế cho thấy, trong năm nay, trước bối cảnh thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan chung khi một số hiệp định thương mại tự do (FTA) và thị trường AEC có hiệu lực và biểu thuế ưu đãi đặc biệt tiếp tục giảm, TP.HCM sẽ rất khó khăn trong việc hoàn thành chỉ tiêu thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu. Như vậy, tỉ lệ thu nội địa phải tăng cao hơn dự toán để bù lại.
Theo đó, năm 2016 thu nội địa dự kiến chiếm 59,54%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến chiếm 34,36% cơ cấu ngân sách, và thu từ dầu thô chiếm 6,1%. Trong năm vừa qua, thu nội địa của Thành phố đã đạt 161,075 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất khẩu đạt 93.927 tỷ đồng.
Để hoàn thành chỉ tiêu tăng thu ngân sách năm nay, Sở Tài chính TP.HCM cho biết sẽ phối hợp Cục Thuế, Cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước Thành phố đôn đốc thu nộp kịp thời các khoản phải thu vào ngân sách. Đồng thời, cần “thúc” công tác thanh, kiểm tra thuế. Các cơ quan này cũng cần gỡ khó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển để có thể đóng góp cho ngân sách. Đánh giá chung cho thấy, việc thay đổi về cơ chế, chính sách thu của Nhà nước trong năm vừa qua cũng tác động đáng kể đến nguồn thu ngân sách nhà nước ở TP.HCM.
Lãnh đạo Sở Tài chính TP.HCM cho biết, việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng xăng, dầu gấp 3 lần và quy định chuyển kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng từ hàng tháng sang hàng quý đã giúp Thành phố tăng thu ngân sách gần 2.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng từ ngày 1/1/2016, trong khi Bộ Tài chính giao dự toán thu năm 2015 cho TP.HCM gồm số tăng thu do dự kiến việc thực hiện tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng bình quân 10% và có hiệu lực thi hành từ ng t 1/7/2015 đã làm giảm số thu thuế tiêu thụ đặc biệt đến 1.300 tỷ đồng so với chỉ tiêu dự toán được giao.