Tín dụng tăng thấp, ngân hàng vẫn lãi lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2023, với lợi nhuận khả quan dù tăng trưởng tín dụng ở mức thấp. Nhiều ngân hàng vẫn kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong cả năm 2023, nhưng cũng có ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận “âm”. Giới phân tích cho rằng, nếu các chính sách khơi thông vốn tín dụng cho doanh nghiệp được triển khai hiệu quả thì triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng có thể tích cực hơn kể từ quý III năm nay.
Nhiều tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh được cải thiện hơn trong nửa cuối năm 2023. Ảnh: Tiên Giang
Nhiều tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh được cải thiện hơn trong nửa cuối năm 2023. Ảnh: Tiên Giang

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên diễn ra tuần trước, bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc Ngân hàng SHB cho biết, trong quý I, lợi nhuận trước thuế ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ 2022. Huy động vốn tăng trưởng trên 8%. Bà Hà cũng cho biết, SHB được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp room tín dụng đầu năm là 7,9% và đã sử dụng gần 6%. SHB đặt mục tiêu lợi nhuận hơn 10.200 tỷ đồng trong năm 2023, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại ĐHCĐ thường niên của Ngân hàng ACB, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết, lợi nhuận quý I/2023 hợp nhất của Ngân hàng đạt 5.120 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 26% kế hoạch cả năm. Trong khi đó, tỷ lệ huy động chỉ tăng trưởng 2,1% so với cuối năm trước và dư nợ tín dụng giảm nhẹ 0,6%. Theo kế hoạch kinh doanh năm 2023, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 20.058 tỷ đồng, tăng 17,2% so với năm 2022. Động lực chính của tăng trưởng lợi nhuận đến từ phí dịch vụ, đa dạng nguồn vốn, tiết giảm chi phí vốn, đặc biệt thúc đẩy CASA (tiền gửi không kỳ hạn).

Tại ĐHCĐ của Ngân hàng VPBank ngày 18/4, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết, kết thúc quý I, Ngân hàng đạt hơn 4.000 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng 7% và tăng trưởng huy động là 11,5%. Công ty Tài chính tiêu dùng FE Credit vẫn còn khó khăn, không có lãi quý I và không hoàn thành kế hoạch. Như vậy, lợi nhuận quý I/2023 của VPBank thấp hơn nhiều so với mức hơn 10.500 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng 13% lên 24.003 tỷ đồng.

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán VNDirect, các ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 cẩn trọng trước những khó khăn hiện tại, trong đó, cân nhắc đến yếu tố nhu cầu tín dụng thấp hơn, chi phí tín dụng cao hơn và nợ xấu gia tăng.

Cụ thể, có 10/15 ngân hàng thương mại đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn năm 2022. 3 ngân hàng quốc doanh đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trong khoảng 10 - 15% so với cùng kỳ. Các ngân hàng thương mại khác cũng đặt mục tiêu từ 10 - 17% tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 dù năm trước có thể đạt mức 30 - 40%.

Đáng chú ý, Techcombank là ngân hàng duy nhất đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận âm cho năm 2023 (-14%) khi phải đối mặt với một loạt khó khăn đến từ tỷ trọng tín dụng cao liên quan tới nhóm ngành bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, CASA sụt giảm mạnh và mới đây Techcombank bị Moody’s hạ tín nhiệm.

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý II/2023 do NHNN thực hiện, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý I/2023 có sự “cải thiện” nhưng tốc độ cải thiện chậm lại so với quý trước.

Các tổ chức tín dụng đánh giá lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý I/2023 có tăng trưởng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, 66,7 - 79,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II và cả năm 2023; 88,7% kỳ vọng lợi nhuận trong năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022 (thấp hơn tỷ lệ 95,3% ở kỳ trước). Bên cạnh đó, có 5,7% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023 và 5,7% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Trong quý I/2023, các tổ chức tín dụng tiếp tục đánh giá các nhân tố nội tại và khách quan có tác động tích cực, giúp cải thiện tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng. “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” cùng với “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” được kỳ vọng là những nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng trong quý II/2023 và cả năm 2023.

Ông Trần Tánh, Phó phòng Phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong quý I/2023 vẫn ở mức yếu so với cùng kỳ năm trước. Điều này cũng đồng điệu với đà tăng trưởng tín dụng khá thấp của quý I năm nay. Một số ít ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt từ hoạt động kinh doanh chủ lực là tín dụng, một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng rất thấp nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn tăng mạnh có thể nhờ các khoản hoàn nhập dự phòng hoặc các khoản thu nhập bất thường khác.

Về quý II, ông Tánh cho rằng, tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng có thể cải thiện hơn nếu các chính sách hỗ trợ vốn tín dụng cho doanh nghiệp phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, tác dụng của dòng vốn tín dụng sẽ có “độ trễ” nhất định. Do đó, nếu dòng vốn tín dụng được khơi thông mạnh mẽ, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ có triển vọng khởi sắc từ quý III năm nay. “Nếu tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 14 - 15% thì tăng trưởng lợi nhuận cả ngành ngân hàng có thể đạt 15 - 16% trong năm nay”, ông Tánh bình luận.

Chuyên đề