Tín dụng cho vay bất động sản: Có nên cho trứng vào một giỏ?

(BĐT) - Có một thực tế đáng lưu ý là, nhiều ngân hàng (NH) đã không cân đối lượng vốn cho vay giữa các lĩnh vực, mà dồn vốn và dành phần nhiều cho vay bất động sản (BĐS).
Tính thanh khoản của thị trường bất động sản đang tăng mạnh. Ảnh: Lê Tiên
Tính thanh khoản của thị trường bất động sản đang tăng mạnh. Ảnh: Lê Tiên

Tín dụng cho vay BĐS trong năm 2015 được nhiều chuyên gia đánh giá là ‘nở rộ’. Các NH giành nhau miếng bánh thị phần bằng cách đưa ra nhiều gói cho vay BĐS với chính sách hấp dẫn.

BĐS phục hồi kéo tín dụng trung và dài hạn cũng tăng trưởng. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh BĐS tập trung lớn nhất vào phân khúc xây dựng, sửa chữa, mua nhà, xây dựng (chiếm trên 60% tổng dư nợ cho vay). Cũng theo thống kê từ NHNN, năm qua các NH đã đẩy mạnh cho vay BĐS với khách hàng cá nhân vay mua nhà và chủ đầu tư BĐS. Tổng mức cho vay toàn ngành năm 2015 đã tăng 18% so với năm 2014.

Năm 2015, tín dụng trong lĩnh vực BĐS tăng trưởng cao hơn những năm trước. Đây là nhận xét của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đồng thời, đơn vị này cho biết, hiện dư nợ cho vay kinh doanh BĐS vào khoảng 360.000 tỷ đồng. Như vậy, so với con số cách đây 3 năm (2012) khoảng 197.000 tỷ đồng, thì các NH đã “bơm” vào lĩnh vực địa ốc 163.000 tỷ đồng (khoảng 7,4 tỷ USD), tăng 80%.

Thị trường BĐS sẽ tiếp nối đà hồi phục khi các chủ đầu tư liên tục triển khai nhiều dự án tạo nguồn cung cho thị trường. Các ngân hàng thương mại (NHTM) đã nhanh chóng tham gia với vai trò là trung gian tài chính và giúp thanh khoản của thị trường tăng mạnh bằng việc cho vay tài chính.

Ông Lê Tất Thắng, chuyên gia về BĐS cho biết, việc NH dồn vốn cho BĐS mang lại nhiều lợi ích cho cả ba bên: chủ đầu tư, người mua nhà cần hỗ trợ tài chính và ngân hàng thương mại NHTM. Qua đó, giúp thị trường BĐS thanh khoản tốt hơn, giảm đáng kể lượng hàng tồn kho.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến chuyên gia, các NH chạy đua theo phong trào giảm lãi suất cho vay cũng dễ dẫn đến giảm lợi nhuận, thậm chí thu không đủ bù chi, thua lỗ. Trong khi đó, nợ xấu vẫn còn áp lực với ngành NH, nên việc kiểm soát rủi ro trong cho vay, nhất là đối với tín dụng BĐS phải rất cẩn trọng.

“Hiện tại vốn trung và dài hạn tăng trưởng tốt, nhưng nếu các NHTM mang vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ khó tránh rủi ro thanh khoản khi người gửi rút tiền đồng loạt hay có thay đổi về tình hình kinh tế vĩ mô”, TS. Nguyễn Trung Nhật cảnh báo.

Cũng theo ông Nhật, tín dụng tăng trưởng tích cực một phần nhờ đổ nhiều vốn vào BĐS, nhưng cần tỉnh táo kiểm soát dòng tiền trong ngắn hạn bởi nếu không rủi ro nợ xấu rất dễ quay trở lại. Việc một NHTM dồn phần lớn nguồn vốn vào cho vay BĐS có thể không ảnh hưởng nhiều, nhưng nếu nhiều NHTM đang cùng "bỏ trứng vào một giỏ" như hiện nay là rất mạo hiểm. Cần có sự chỉ đạo và điều tiết từ NHNN, tránh trường hợp sập đổ dây chuyền gây ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

Tuy có hiện tượng nhiều NHTM dồn vốn cho vay BĐS nhưng đa số các chuyên gia tài chính đều nhận định, cần nhìn nhận phần tích cực nhiều hơn. Tín dụng BĐS giúp chủ đầu tư chủ động nguồn vốn để yên tâm hoàn thành dự án, giúp người cần nhà ở thực sự hiện thực mơ ước của mình và giúp chính các NHTM giải ngân để duy trì và phát triển.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư