Tiêu thụ thép kỳ vọng phục hồi trong quý IV

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau 2 quý đầu năm “lên hương” nhờ nhu cầu thị trường và giá thép tăng đột biến, tiêu thụ thép xây dựng tháng 8/2021 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây khiến doanh nghiệp (DN) thép trong nước đối mặt với nhiều khó khăn.
Hoạt động xây dựng bị đình trệ do dịch bệnh khiến tiêu thụ thép xây dựng trong tháng 8 giảm mạnh. Ảnh: Lê Tiên
Hoạt động xây dựng bị đình trệ do dịch bệnh khiến tiêu thụ thép xây dựng trong tháng 8 giảm mạnh. Ảnh: Lê Tiên

Tiêu thụ thép xây dựng thấp nhất trong vòng 5 năm

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, trong tháng 8/2021, sản xuất và tiêu thụ nhiều mặt hàng thép xây dựng đều giảm, mức giảm gần như lớn nhất trong 5 năm gần đây. Cụ thể, sản lượng thép xây dựng sản xuất trong tháng 8 đạt 713.964 tấn, giảm 2,06% so với tháng 7/2021 và giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tiêu thụ đạt 559.482 tấn, giảm mạnh 29,31% so với tháng trước và giảm 39,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện VSA cho biết, tiêu thụ thép xây dựng giảm mạnh do hoạt động xây dựng bị đình trệ, giãn tiến độ hoặc dừng lại để thực hiện giãn cách xã hội, nhất là ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và nhiều tỉnh phía Nam. Cùng với đó, cước phí vận tải biển tăng cao, hoạt động logistics tắc nghẽn, việc duy trì sản xuất “3 tại chỗ” của DN phát sinh nhiều chi phí, thời điểm tháng 8 trùng với tháng 7 âm lịch, thời tiết bước vào mùa mưa không thuận lợi cho hoạt động xây dựng… khiến sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm của các thành viên VSA đều giảm.

Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho biết, trong tháng 8, sản lượng bán hàng thép xây dựng của Công ty đạt 268.000 tấn, giảm gần 17% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện một DN thép khác ở phía Bắc cho biết, sản lượng bán hàng thép xây dựng của DN này giảm 50% so với tháng 7/2021. Đặc biệt, đã gần hết tháng 9 nhưng một số thị trường tiêu thụ lớn của DN như: Hà Nội, TP.HCM chưa khởi động lại… dẫn tới nhiều khả năng sản lượng bán hàng vẫn giảm tiếp trong tháng này. Hiện có nhiều nhà thầu xây dựng là khách hàng lớn của DN đang gặp khó khăn về dòng tiền… buộc DN phải dừng đơn hàng.

Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo tiêu thụ thép xây dựng tháng 9 có triển vọng hơn tháng 8 khi một số tỉnh, thành bắt đầu nới lỏng giãn cách, từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới. Quý IV/2021, tiêu thụ thép xây dựng trong nước có thể phục hồi, xuất khẩu thép tiếp tục thuận lợi. Giá thép có thể sẽ không tăng đột biến.

Trái ngược với tình hình tiêu thụ ảm đạm của thị trường trong nước, theo VSA, hoạt động xuất khẩu của các thành viên VSA rất sôi động. Tính riêng tháng 8/2021, xuất khẩu thép của Việt Nam đạt 1,5 triệu tấn, tăng 31% so với tháng trước và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2020; trị giá xuất khẩu đạt hơn 1,48 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2021, sản xuất các sản phẩm thép xây dựng tăng 7% và tiêu thụ tương đương cùng kỳ năm 2020.

Triển vọng nào cho những tháng cuối năm?

Đề cập về triển vọng thị trường trong nước những tháng cuối năm 2021, VSA nhận định, việc tiêu thụ thép xây dựng trong nước phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19. Tuy nhiên, dự báo tiêu thụ thép xây dựng tháng 9 sẽ có triển vọng hơn tháng 8 khi một số tỉnh, thành bắt đầu nới lỏng giãn cách, từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.

Tại cuộc giao ban trực tuyến Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 vừa diễn ra, lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết, sau ngày 21/9, Thành phố dự kiến sẽ cơ bản cho các công trình xây dựng hoạt động trở lại với điều kiện cụ thể để bảo đảm an toàn. Còn tại thị trường phía Nam, TP.HCM và nhiều địa phương khác bị ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19 cũng đang lên phương án mở cửa trở lại… Cùng với đó, Chính phủ đang thực hiện hàng loạt giải pháp thúc đẩy đầu tư công kỳ vọng giúp hoạt động xây dựng dần sôi động trở lại. VSA nhận định, tiêu thụ thép xây dựng có thể phục hồi trong quý IV.

VSA dự báo, trong quý IV, hoạt động xuất khẩu thép tiếp tục thuận lợi khi các thị trường dần mở cửa trở lại. Giá thép có thể sẽ không tăng đột biến.

Chuyên đề