Tích cực phản biện, kiến tạo môi trường kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Môi trường kinh doanh Việt Nam đang được cải thiện, nhưng để thực sự bứt phá, trở thành điểm đến thuận lợi và an toàn của nhà đầu tư thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Trên chặng đường này, báo chí chính là cầu nối đồng hành cùng Chính phủ, người dân chung tay hiện thực hóa mục tiêu tạo lập một môi trường cạnh tranh, lành mạnh để nuôi dưỡng doanh nghiệp (DN).
Báo chí là một động lực quan trọng thúc đẩy, tạo nên những đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Ảnh: Nhã Chi
Báo chí là một động lực quan trọng thúc đẩy, tạo nên những đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Ảnh: Nhã Chi

Gia tăng giá trị cho các chương trình cải cách

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021, dù dịch bệnh vẫn rất phức tạp, song tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đạt 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2020, dù dịch bệnh lây lan mạnh trên toàn cầu, làm đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng, nhưng Việt Nam vẫn thu hút được trên 28,53 tỷ USD vốn FDI, vốn thực hiện đạt 19,98 tỷ USD. Khu vực DN trong nước cũng không ngừng phát triển. DN thành lập mới liên tục tăng, nhiều DN tư nhân lớn lên vươn mình ra toàn cầu…

Những kết quả này cho thấy, Việt Nam thực sự là điểm đến an toàn của giới đầu tư nhờ thành công trong công tác chống dịch Covid-19 cùng chính sách mở cửa, ưu đãi. Nhưng theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhìn rộng hơn, sâu hơn, có một nguyên nhân quan trọng khác đó chính là môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng thuận lợi cho người dân và DN.

Theo Văn phòng Chính phủ, so với giai đoạn 2011 - 2015, hiện Việt Nam đã tăng hàng chục bậc trên Bảng xếp hạng về Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như Bảng xếp hạng về Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)… Hàng nghìn điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành hay thủ tục hành chính không cần thiết, bất hợp lý đã được cắt giảm.

“Trong các cuộc chiến đó, “vũ khí” làm gia tăng giá trị cho những chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ ngay từ khi còn đang soạn thảo cũng như khi đã được ban hành chính là báo chí”, ông Hiếu nhìn nhận.

Theo đại diện CIEM, báo chí giúp bạn đọc có được thông tin chính xác, kịp thời, hữu ích trong việc tiếp cận tốt hơn với các chủ trương, chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh. Điều này đã giúp người dân, DN tin tưởng, yên tâm bỏ vốn sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho bản thân, gia đình và đất nước.

Bên cạnh đó, với tính phản biện cao, báo chí góp phần tạo sức ép đối với việc thực thi cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng hiệu quả. Với vai trò là các cơ quan ngôn luận, báo chí truyền tải các thông tin phản biện của người dân, DN về các dự thảo chính sách, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chính sách, quyết sách của Nhà nước. Báo chí cũng tạo sức mạnh dư luận buộc các bộ, ngành phải làm tốt hơn trong việc thực hiện các chính sách về cải thiện môi trường kinh doanh…

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, rõ ràng, nếu không có sự đóng góp của báo chí thì việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam khó đạt được kết quả như thời gian vừa qua. Bởi, báo chí chính là cầu nối, là kênh thông tin quan trọng truyền tải tiếng nói của người dân, DN… vào các hội nghị, hội thảo của Chính phủ và đã được Chính phủ lắng nghe, tiếp thu và thay đổi. Thậm chí, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì báo chí là “ngọn hải đăng” đồng hành cùng DN.

Cổ vũ, chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển

Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Một trong những giải pháp hàng đầu để hiện thực hóa mục tiêu này được Nghị quyết nêu rõ, đó chính là cải cách thể chế kinh tế để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Nghị quyết nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, môi trường...” cũng như “hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh”.

Theo ông Phan Đức Hiếu, để hiện thực hóa được khát vọng này, không thể thiếu vai trò đồng hành của báo chí trong việc cổ vũ, chung tay thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm xây dựng được một thể chế kinh tế tốt, thuận lợi và an toàn hơn để người dân và DN yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho đất nước. Theo đó, nhằm phát huy được vai trò quan trọng của báo chí, các nhà báo phải không ngừng học hỏi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ để sáng tạo được những tác phẩm báo chí giá trị, có góc nhìn khách quan, độc lập, tránh “loby” chính sách một cách kém minh bạch.

Trước bối cảnh đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội, song cũng không ít thách thức, ở đó, mặt trận xây dựng kinh tế là trung tâm, các DN, doanh nhân là đội quân chủ lực, ông Vũ Tiến Lộc mong muốn báo chí chung tay đồng hành cùng DN. Tuy vậy, ông Lộc cũng lưu ý, báo chí cần đưa tin đa chiều, khách quan khi thông tin về DN. Bởi thông tin chính xác hay không là vấn đề sinh tử với DN. Nguồn tin hay sẽ có thể giúp hồi sinh một DN, nhưng một tin dở có thể đẩy DN vào vực thẳm.

“Chúng tôi mong báo chí hãy chung tay trong việc thúc đẩy cải cách thể chế, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để người dân, DN yên tâm bỏ tiền đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Đây là thời điểm thích hợp để chúng ta có thể đột phá trong cải cách”, ông Lộc bày tỏ.

Bởi vậy, để Việt Nam thực sự bước lên những nấc thang cao hơn trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của thế giới, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như DN nhấn mạnh, các cơ quan báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò là “cơ quan quyền lực thứ tư”, giám sát quá trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Những điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết, không hiệu quả, cản trở sự phát triển của DN cần được bãi bỏ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư