Thuốc nội đón cơ hội tăng thị phần

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để thúc đẩy doanh nghiệp (DN) dược trong nước phát triển, theo ông Hoàng Cương - Trưởng phòng Chính sách đấu thầu (Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Luật Đấu thầu năm 2023 và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP đã mở ra những cơ chế lựa chọn nhà thầu khuyến khích mua sắm các sản phẩm tốt, phát minh mới, có hàm lượng công nghệ và kỹ thuật cao. Đây là cơ hội lớn tăng thị phần cho các DN có nền sản xuất vững vàng.
Việc đầu tư dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương giúp doanh nghiệp dược nội địa đủ khả năng tham gia sâu hơn trong lĩnh vực đấu thầu thuốc. Ảnh: Lê Tiên
Việc đầu tư dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương giúp doanh nghiệp dược nội địa đủ khả năng tham gia sâu hơn trong lĩnh vực đấu thầu thuốc. Ảnh: Lê Tiên

Hiện trạng thuốc nội

Theo số liệu của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước trúng thầu trong giai đoạn từ năm 2019 - 2023 trung bình đạt trên 40% tổng giá trị trúng thầu (chưa tính đến kết quả sử dụng thực tế). Trong đó, tổng giá trị trúng thầu của thuốc sản xuất trong nước năm 2023 đạt 14.036 tỷ đồng.

Về năng lực sản xuất, theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), ngành công nghiệp dược Việt Nam hiện ở cấp độ 3 trong tổng số 5 cấp độ, tức là có công nghiệp dược nội địa, có sản xuất thuốc generic, xuất khẩu được một số dược phẩm, vắc xin.

Riêng về vắc xin, sinh phẩm y tế, Việt Nam hiện có 8 đơn vị nghiên cứu sản xuất, trong đó có 4 cơ sở có dây chuyền đạt GMP, làm chủ công nghệ và sản xuất được vắc xin phòng 13 bệnh, cung ứng đủ (11/12 loại) cho Chương trình tiêm chủng mở rộng. Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin (NRA) của Việt Nam là 1 trong 39 quốc gia trên thế giới được WHO công nhận.

GS.TS Nguyễn Đăng Hiên - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Polyvac) cho biết, năm 2023, Trung tâm đã xuất khẩu được 1 triệu liều vắc xin sởi sang Ấn Độ và đang đàm phán để xuất khẩu vắc xin ngừa virus Rota sang Iran, Bangladesh…

Cơ hội mở rộng thị trường cho DN dược nội địa đang gia tăng khi Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Theo quy định của Luật, những sản phẩm nằm trong danh mục thuốc được Bộ Y tế công bố có ít nhất 3 hãng trong nước sản xuất đáp ứng tiêu chí kỹ thuật, chất lượng và giá cả, thì chủ đầu tư quyết định việc yêu cầu nhà thầu chào thuốc xuất xứ trong nước. Thuốc được Bộ Y tế công bố có ít nhất 3 hãng trong nước sản xuất trên dây chuyền sản xuất thuốc đáp ứng tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương EU-GMP và đáp ứng tiêu chí kỹ thuật, chất lượng, giá cả, khả năng cung cấp thì chủ đầu tư chỉ yêu cầu chào thuốc xuất xứ trong nước.

Thuốc sản xuất trong nước còn được hưởng ưu đãi khi tham dự thầu. Không giới hạn trong danh mục chi trả của quỹ BHYT, Luật Đấu thầu năm 2023 trao toàn quyền cho cơ sở y tế quyết định mua sắm thuốc khác, vắc xin dịch vụ…

Ngoài ra, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đang hướng đến việc tăng dần mức đóng BHYT, mở rộng phạm vi danh mục thuốc được quỹ BHYT chi trả, huy động DN kinh doanh bảo hiểm thương mại cung cấp các gói BHYT bổ sung…, qua đó tăng cơ hội cung cấp hàng hóa cho DN dược.

Việc đầu tư dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương giúp DN dược nội địa đủ khả năng tham gia sâu hơn trong lĩnh vực đấu thầu thuốc tại các bệnh viện, sở y tế. Theo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam, thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường vào năm 2030. Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, đây là thời cơ vàng cho các nhà sản xuất thuốc nội địa ở nhóm 2 và nhóm 3, thay vì tập trung vào nhóm 4 như hiện nay.

Thị phần dành cho thuốc nội đang rộng mở, vấn đề là DN làm thế nào để nắm bắt được cơ hội này.

Tăng đầu tư R&D, làm chủ công nghệ để nắm chắc cơ hội

Mặc dù có thị trường tiêu thụ tiềm năng và đang tăng trưởng mạnh, nhưng theo bà Hàn Thị Khánh Vinh - Tổng giám đốc Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm), lợi thế trên “sân nhà” vẫn đang nghiêng về các DN nước ngoài.

Các DN sản xuất thuốc trong nước đa số vẫn là DN nhỏ và vừa, thiếu vốn, thiếu nhân lực, dây chuyền sản xuất chủ yếu là các dạng bào chế đơn giản, chưa chú trọng phát triển sản phẩm mới và tiếp cận công nghệ hiện đại. Hiện nay, một số DN tầm trung đã mạnh dạn tìm kiếm đối tác, nâng cấp tiêu chuẩn nhà máy lên EU-GMP hoặc tương đương. Tuy nhiên, ngành dược phẩm Việt Nam vẫn chủ yếu sản xuất thuốc generic, cơ bản chưa sản xuất được các sản phẩm thuốc chuyên khoa đặc trị, chỉ khoảng 6% thuốc sản xuất trong nước nằm trong nhóm 1 tham gia đấu thầu.

Thị phần thuốc dạng generic vốn đã nhỏ, nhiều DN đổ xô vào sản xuất các sản phẩm tương tự nhau dẫn đến cạnh tranh khốc liệt. Giá nhiều mặt hàng thuốc tham gia cuộc đua xuống đáy, làm giảm sức cạnh tranh của chính các DN…

Để nắm bắt cơ hội mở rộng thị phần cho thuốc nội, đại diện Vinapharm cho rằng, Nhà nước cần thiết lập nhiều ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào ngành dược phẩm; có chính sách đổi mới sáng tạo và thúc đẩy các phát minh thông qua việc hỗ trợ mở rộng và đơn giản hoá các thủ tục nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng thuốc tại Việt Nam. Trong đó, có thể nghiên cứu thành lập Quỹ khuyến khích, tài trợ các dự án phát triển dược phẩm mới, gia tăng đầu tư ở tất cả các giai đoạn trong quá trình phát triển dược phẩm như mô hình Quỹ Phát triển dược phẩm Hàn Quốc. Nghiên cứu thành lập cơ quan chuyên trách thu hút và hỗ trợ đầu tư nhằm hiện thực hoá tiềm năng phát triển như mô hình Cơ quan Phát triển công nghiệp Ireland…

Trong tất cả các ngành công nghiệp, theo Pharma Group, ngành dược phẩm luôn có đầu tư lớn nhất vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Hàm lượng R&D của ngành dược phẩm sinh học phát minh trên thế giới lên tới 15,5% doanh thu.

Để khuyến khích tăng đầu tư vào R&D, tại Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thiết kế mức hỗ trợ của Nhà nước là 50% chi phí R&D mà DN bỏ ra. Theo khuyến nghị của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần xem xét nâng mức hỗ trợ này lên 75%...

Một số địa phương cũng có sự quan tâm đến việc hỗ trợ các DN đầu tư vào R&D. Chẳng hạn tại TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM cho biết, Thành phố đặt mục tiêu hình thành khu công nghiệp chuyên ngành y - dược, trong đó có ít nhất 1 trung tâm R&D, 2 trung tâm sản xuất và 3 trung tâm giao dịch. Để đạt được mục tiêu này, Thành phố đang tập trung xây dựng chính sách đầu tư, ưu đãi, hỗ trợ (giá thuê đất, ưu đãi thuế, nguồn vốn vay kích cầu, hỗ trợ các dự án sản xuất các sản phẩm kỹ thuật cao), huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư…

Song song với chính sách của Nhà nước và từng địa phương, cần có sự sẵn sàng đầu tư của các DN. Bên cạnh việc tận dụng những tiềm năng và thế mạnh sẵn có về nguồn dược liệu, DN trong ngành cần tập trung nguồn lực vào lĩnh vực đột phá như: nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển, sản xuất những loại thuốc chuyên khoa, đặc trị, tham gia vào quá trình phát triển toàn cầu các thuốc mới, thuốc sinh học… Công nghệ tiên tiến luôn là “chìa khoá” để phát triển và nâng cao sức cạnh tranh, nhưng là khó khăn, thách thức với DN vừa và nhỏ. Một số chuyên gia cho rằng, rất cần những bước đi tiên phong của các DN lớn đầu ngành trong việc phát triển, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực R&D, mở rộng, tìm kiếm và hợp tác với các đối tác nước ngoài, tạo động lực phát triển toàn ngành dược.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư