Thúc đẩy tự do kinh doanh: Cần thực chất vì doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhờ những nỗ lực cải cách thể chế, việc thúc đẩy tự do kinh doanh tại Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến, nhưng còn rất nhiều việc cần phải làm để tạo động lực thực chất cho doanh nghiệp đứng vững và vươn lên.
Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn rộng, chồng chéo, chưa áp dụng phương pháp quản lý rủi ro một cách khoa học. Ảnh: Tiên Giang
Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn rộng, chồng chéo, chưa áp dụng phương pháp quản lý rủi ro một cách khoa học. Ảnh: Tiên Giang

Chia sẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường” diễn ra ngày 6/12/2022, TS. Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cải cách điều kiện kinh doanh từ năm 2020 đến nay dường như đang bị chững lại, chậm chuyển biến hơn so với giai đoạn trước đó.

Cụ thể, số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện từ 267 ngành nghề theo Luật Đầu tư 2014 đã giảm xuống 227 ngành nghề theo Luật Đầu tư 2020. Song thực tế, số lượng ngành nghề có quy định điều kiện kinh doanh trong pháp luật chuyên ngành cao gấp 3 lần so với danh mục của Luật Đầu tư 2020. Việc cắt giảm chủ yếu dưới hình thức gộp tên 2 ngành nghề thành 1, hay sử dụng tên ngành nghề có phạm vi điều chỉnh rộng để rút gọn về số lượng ngành nghề. Đơn cử như ngành nghề kinh doanh bất động sản được phân thành 2 nhóm ngành, với 9 ngành nghề bên trong có quy định về điều kiện kinh doanh; hay ngành nghề kinh doanh dịch vụ kiến trúc bao gồm 7 ngành nghề cụ thể có điều kiện kinh doanh… Số lượng chứng chỉ các loại còn quá nhiều, chẳng hạn ngành xây dựng có tới 6 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực được phân hạng từ 1 đến 3, tức là nhân lên 3 lần…

Mặt khác, theo bà Thảo, danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn rộng, chồng chéo; chưa áp dụng phương pháp quản lý rủi ro một cách khoa học, mà vẫn thiên về kiểm tra theo từng lô hàng, chưa áp dụng chế độ DN ưu tiên hay đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin…

Khảo sát PCI 2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy kết quả khá tương đồng. Cụ thể, có tới 60,1% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tỷ lệ DN chi trả chi phí không chính thức cho việc cấp Giấy phép kinh doanh có điều kiện là 61,36%. Những phiền hà về cấp Giấy phép kinh doanh có điều kiện là nguyên nhân khiến cho 21,7% DN phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh…

Mặt khác, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, mức độ can thiệp của Nhà nước vào thị trường và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN tại Việt Nam đang có chiều hướng tăng lên trong những năm gần đây. Ví dụ kết quả đánh giá thủ tục đăng ký chuyển nhượng tài sản tại khu vực ASEAN của Doing Business cho thấy, số lượng thủ tục không nhiều khác biệt (Việt Nam là 5 thủ tục, Singapore và Malaysia là 6 thủ tục), nhưng thời gian giải quyết thủ tục có sự khác biệt đáng kể. Singapore là 4,5 ngày, Malaysia là 16,5 ngày, còn Việt Nam là 53,5 ngày…

Để thúc đẩy quyền tự do đầu tư, kinh doanh, một số chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó chú trọng các giải pháp cải cách thực chất ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Cùng với đó, coi trọng đơn giản hóa và tạo sự minh bạch trong quy định, thủ tục, bảo đảm tính an toàn trong môi trường kinh doanh, duy trì sự ổn định của chính sách. Đồng thời bám sát các chỉ số quốc tế công bố để nhận diện khoảng cách, vấn đề và tạo áp lực, động lực cải thiện. Ngoài ra, cần huy động sự tham gia của cộng đồng DN vào quá trình xây dựng chính sách, đánh giá độc lập kết quả cải cách thể chế.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, việc thúc đẩy tự do kinh doanh, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về thị trường là yêu cầu cấp thiết, trong đó cần tăng cường quản lý, điều tiết thị trường bằng các giải pháp thị trường, không bằng mệnh lệnh hành chính, thay đổi luật pháp theo lối “giật cục”, khó đoán định, làm đứt gãy hoạt động bình thường của thị trường.

Ông Lê Đình Vĩ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang kiến nghị, các bộ, ngành trung ương cần tiếp tục rà soát những quy định chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, kinh doanh nhằm sửa đổi, bổ sung điều chỉnh kịp thời, đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết và giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Chuyên đề