Thu phí tự động không dừng lại trễ hẹn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời hạn mà Chính phủ đặt ra đối với Bộ Giao thông vận tải (GTVT), UBND các địa phương, nhà đầu tư dự án BOT, các nhà cung cấp dịch vụ phải triển khai thu phí điện tử tự động không dừng (ETC) đối với các làn thu phí, đảm bảo mỗi trạm thu phí chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp là trong quý I/2022 đã không thể đúng hẹn. Theo Bộ GTVT, do quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, đến từ nhiều phía nên phải lùi thời gian hoàn thành đến quý II, quý III/2022.
Đến nay đã có khoảng 2,7 triệu phương tiện được dán thẻ ETC, chiếm 60% tổng số phương tiện trên toàn quốc. Ảnh: Lê Tiên
Đến nay đã có khoảng 2,7 triệu phương tiện được dán thẻ ETC, chiếm 60% tổng số phương tiện trên toàn quốc. Ảnh: Lê Tiên

Bộ GTVT vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai hệ thống ETC. Theo đó, đối với các trạm thu phí do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền, hiện hồ sơ thiết kế các làn còn lại tại các trạm thu phí đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) thỏa thuận, các nhà đầu tư đang triển khai nhập thiết bị để lắp đặt, vận hành. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới việc mua, nhập thiết bị dẫn đến tiến độ triển khai chưa đáp ứng yêu cầu. Bộ GTVT đã hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ mua sắm, lắp đặt thiết bị để hoàn thành trong quý II/2022.

Đối với các trạm thu phí do địa phương là cơ quan có thẩm quyền, UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm triển khai hệ thống ETC. Bộ GTVT đã làm việc cụ thể với từng địa phương để thống nhất phương án, lộ trình triển khai bảo đảm tiến độ; đồng thời chỉ đạo TCĐB phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện. Tuy nhiên, các trạm thu phí này cũng gặp những khó khăn tương tự về công tác mua, nhập thiết bị nên tiến độ triển khai bị chậm. Các địa phương đặt mục tiêu hoàn thành trong quý II/2022.

Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống ETC tại các dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng gặp không ít khó khăn. Trên cơ sở chủ trương được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, VEC đã tổ chức triển khai thuê nhà cung cấp dịch vụ thu phí cho các tuyến cao tốc do VEC quản lý bằng nguồn chi phí tổ chức thu phí trong phương án tài chính của dự án. Hiện nay, VEC đang chuẩn bị các thủ tục về lập kế hoạch thuê, yêu cầu kỹ thuật, hồ sơ mời thầu để tổ chức lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC. Do tính chất đặc thù của hình thức thuê dịch vụ ETC tại các dự án cao tốc do VEC quản lý dẫn đến trình tự, thủ tục triển khai các bước tiếp theo còn tồn tại, vướng mắc. Điều này dẫn đến tiến độ triển khai hệ thống ETC tại các dự án cao tốc do VEC quản lý chưa đáp ứng yêu cầu. VEC đang triển khai thực hiện công tác lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC, dự kiến hoàn thành trong quý II/2022, triển khai lắp đặt thiết bị và vận hành hệ thống ETC trong quý III/2022.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ của Ban Quản lý dự án 2 thuộc Bộ GTVT cho biết, tại Dự án ETC giai đoạn 1, nhà đầu tư đang chuẩn bị quyết toán Dự án. Đến nay đã hoàn thiện công tác nghiệm thu 20 làn còn lại; hoàn thiện một số thủ tục thẩm định thiết kế dự toán các hạng mục còn tồn tại theo kết quả kiểm tra. Theo đánh giá, nhà đầu tư còn chậm trễ trong việc xử lý các thiết bị tận dụng của BOT, thẩm định các phần mềm, phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở. Đối với Dự án ETC giai đoạn 2, Ban Quản lý dự án 2 đã phối hợp với TCĐB nghiệm thu đưa vào sử dụng chính thức.

Bộ GTVT cho biết, đối với việc lựa chọn một số tuyến cao tốc tại mỗi vùng miền để triển khai thí điểm chỉ áp dụng ETC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã giao TCĐB rà soát, nghiên cứu kỹ để lựa chọn tuyến cao tốc thí điểm. Theo đó, Bộ GTVT đã thống nhất trước mắt lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để thí điểm chỉ áp dụng ETC. Dự kiến, sẽ chính thức áp dụng thí điểm trong tháng 6/2022. Đến tháng 6/2022, dự kiến việc dán thẻ ETC cho các phương tiện sẽ đạt tối thiểu 90%.

Để phát huy hiệu quả của hệ thống ETC, thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương, nhà cung cấp dịch vụ, các nhà đầu tư BOT tuyên truyền; mở rộng, đa dạng hóa nhiều hình thức nạp tiền vào tài khoản giao thông, mở rộng nhiều điểm dán thẻ... và đến nay đã có khoảng 2,7 triệu phương tiện được dán thẻ ETC, chiếm 60% tổng số phương tiện trên toàn quốc.

Chuyên đề