Thu phí không dừng vẫn vướng phương án tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB), tính đến cuối tháng 5/2021, đã triển khai dán thẻ đầu cuối (etag, epass) cho khoảng 1,7 triệu phương tiện giao thông phục vụ lưu thông qua các trạm thu phí không dừng. Việc triển khai đồng loạt nhiều giải pháp đã khắc phục được lỗi sự cố, trục trặc trong thu phí sử dụng đường bộ không dừng (ETC). Tuy nhiên, phương án tài chính đối với Dự án Thu phí không dừng vẫn còn vướng mắc.
Hiện cả nước có 111 trạm thu phí tự động không dừng, gồm 76 trạm của Giai đoạn 1 Dự án Thu phí sử dụng đường bộ không dừng và 35 trạm của Giai đoạn 2. Ảnh: Song Lê
Hiện cả nước có 111 trạm thu phí tự động không dừng, gồm 76 trạm của Giai đoạn 1 Dự án Thu phí sử dụng đường bộ không dừng và 35 trạm của Giai đoạn 2. Ảnh: Song Lê

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế thuộc TCĐB cho biết, hiện cả nước có 111 trạm thu phí ETC, gồm 76 trạm của Giai đoạn 1 Dự án Thu phí sử dụng đường bộ không dừng và 35 trạm của Giai đoạn 2 Dự án. Trong đó, Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) cung cấp dịch vụ cho 76 trạm thuộc Giai đoạn 1; Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) cung cấp dịch vụ ETC cho 35 trạm thuộc Giai đoạn 2.

Sau khi tiếp nhận phản ánh của dư luận về những sự cố liên quan đến thu phí tự động không dừng, TCĐB đã tiến hành kiểm tra các trạm thu phí và kết quả cho thấy, sự cố xảy ra tại các làn ETC chủ yếu là lỗi vận hành. Theo đó, đối với lỗi kỹ thuật, TCĐB đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ để xác định nguyên nhân lỗi và khắc phục ngay trong vòng 6 - 24h. Đối với các lỗi vận hành, TCĐB đã chỉ đạo bộ phận giám sát hậu kiểm của nhà cung cấp dịch vụ xác định lỗi, hướng dẫn nhân viên quy trình khắc phục, hoàn trả tiền cho chủ xe nếu thu nhầm, bộ phận chăm sóc khách hàng liên hệ với chủ xe để giải thích. Đồng thời, TCĐB đã chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên, truyền thông việc triển khai thu phí tự động không dừng, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận các phản hồi và kịp thời xử lý, tránh gây bức xúc cho khách hàng.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, Bộ đã thành lập Tổ công tác kiểm tra việc quản lý, vận hành hệ thống ETC tại các trạm thu phí đường bộ trên toàn quốc. Qua đó, đánh giá kỹ các tồn tại, bất cập phát sinh trong quá trình vận hành; sự phối hợp giữa các nhà cung cấp dịch vụ ETC với nhau và với nhà đầu tư BOT trong tổ chức thu phí; kết nối liên thông giữa hai hệ thống trung tâm dữ liệu thu phí ETC; công tác dán thẻ, phân luồng, hệ thống thông tin biển báo liên quan đến thu phí ETC tại các trạm thu phí...

Sau khi kiểm tra, Bộ GTVT yêu cầu Công ty VETC và Công ty VDTC khẩn trương hoàn thiện, thống nhất và ban hành quy chế phối hợp, vận hành hệ thống ETC. 2 doanh nghiệp này đã phối hợp với các nhà đầu tư BOT để khẩn trương khắc phục lỗi đối soát, lỗi kết nối; cử nhân viên kỹ thuật trực tại các trạm để hỗ trợ kỹ thuật khi phát sinh lỗi. VDTC đã khẩn trương chấn chỉnh công tác dán thẻ đầu cuối; rà soát, kiểm tra lại thẻ của các phương tiện thường xuyên bị lỗi không đọc được thẻ để dán lại (nếu cần); rà soát lại các thông số sao lưu dữ liệu tại trạm thu phí và tại Back-End, hướng dẫn cho nhà đầu tư BOT việc truy suất dữ liệu được sao lưu tại Back-End.

Bên cạnh đó, TCĐB đã phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ để ban hành bổ sung quy định chỉ số KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) về việc kết nối giữa 2 hệ thống Back-End; chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án BOT rà soát lại phương án tổ chức giao thông tại làn thu phí. Đến nay, các hệ thống ETC đã vận hành ổn định.

Theo Ban Quản lý dự án 2 thuộc Bộ GTVT, các khó khăn, tồn tại, vướng mắc của Dự án Thu phí sử dụng đường bộ không dừng hiện nay chủ yếu liên quan đến phương án tài chính. Đối với Giai đoạn 1, vướng mắc lớn nhất chính là công tác kinh doanh, vận hành và đàm phán, ký kết hợp đồng dịch vụ/phụ lục hợp đồng dịch vụ giữa Công ty VETC và nhà đầu tư BOT.

Vướng mắc của Giai đoạn 2 chủ yếu là khó khăn về phương án tài chính. Cụ thể, phạm vi Dự án Giai đoạn 2 có 8 trạm thu phí BOT không triển khai thu phí không dừng do sắp hết thời hạn thu phí hoặc đang bị dừng thu, dẫn tới doanh thu không bảo đảm theo hợp đồng đã ký. Hiện nay, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đang xây dựng phương án tài chính điều chỉnh cho Giai đoạn 2 trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt nhằm bảo đảm doanh thu cho Dự án.

Chuyên đề