Hạn chót đến ngày 31/12, tất cả các trạm thu phí BOT phải chuyển sang thu phí không dừng. Ảnh: Lê Tiên |
Dự án Thu phí điện tử không dừng (ETC) được thực hiện theo loại hợp đồng BOO. Dự án ETC giai đoạn 1 do Công ty VETC (gọi tắt nhà đầu tư BOO 1) triển khai tại 44 trạm thu phí, Dự án ETC giai đoạn 2 (BOO 2) được Liên danh nhà đầu tư do Viettel đứng đầu triển khai tại 33 trạm. Đối với các trạm không thuộc 2 dự án, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị các địa phương tự thực hiện hệ thống ETC, nếu tự tổ chức không khả thi thì chọn đơn vị cung cấp dịch vụ đã được Bộ GTVT lựa chọn...
Tại Quyết định 19/2020/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết hạn chót đến ngày 31/12, tất cả các trạm chuyển sang thu phí không dừng.
Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, các nhà đầu tư BOT đều đồng thuận, ủng hộ chủ trương thu phí điện tử không dừng, cam kết tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, còn một số vướng mắc cần tháo gỡ để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư BOO.
Chia sẻ vướng mắc cụ thể, ông Đinh Văn Tiếp, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Phương Nam cho biết, nhà đầu tư có 3 trạm thu phí BOT thuộc Dự án BOO 1. Tuy nhiên, nhà đầu tư BOO đang chậm trễ trong triển khai các bước tiếp theo để đảm bảo thời hạn vận hành thu phí tự động không dừng. Nhà đầu tư BOT lo lắng đến 31/12/2020 mà nhà đầu tư BOO 1 không triển khai kịp, bị dừng thu phí sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nhà đầu tư BOT. “Người dân nghĩ nhà đầu tư BOT đang cố tình chậm trễ gây khó khăn nhưng thực sự tất cả nhà đầu tư BOT rất mong muốn, ủng hộ chủ trương thu phí không dừng. Việc chậm trễ không phải lỗi của nhà đầu tư BOT, mà hiện tại chúng tôi đã có nhiều văn bản đề nghị nhà đầu tư BOO cử người vào triển khai, quản lý, vận hành nhưng rất chậm”, ông Đinh Văn Tiếp cho biết.
Ông Văn Thành Tâm, Phó Tổng giám đốc Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng thì cho biết, nhà đầu tư BOT xác định nghĩa vụ chấp hành quy định của Chính phủ về triển khai ETC, nhưng Dự án BOT cầu Bạch Đằng là dự án không nằm trong các trạm thu phí thuộc 2 dự án BOO 1 và BOO 2, mà được bổ sung sau. Do đó, nhà đầu tư BOT cầu Bạch Đằng chưa có cơ sở đàm phán tỷ lệ trả phí ETC cho nhà đầu tư BOO. Theo ông Tâm, đó cũng là vướng mắc với nhiều trạm không thuộc 2 dự án BOO 1, BOO 2.
Ở góc độ khác, ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, Bộ GTVT đã lựa chọn 2 nhà đầu tư BOO 1 và BOO 2, nhưng mỗi nhà đầu tư có tiêu chí hoạt động khác nhau, hình thức quan hệ với đối tác sử dụng dịch vụ là nhà đầu tư BOT khác nhau. Ví dụ, VETC đưa ra sự lựa chọn cho nhà đầu tư BOT trong đó có thể VETC đầu tư hệ thống, vận hành do nhà đầu tư BOT, còn Viettel đề nghị bàn giao lại toàn bộ trạm để Viettel vận hành. Với một số dự án hầm của Đèo Cả, bộ máy quản lý thu phí thực hiện chức năng vận hành liên tục cả Dự án, nên nếu bàn giao trạm thì ảnh hưởng đến toàn bộ công tác vận hành hầm… Hay là sự chưa nhất quán về mức phí trích lại cho nhà đầu tư BOO, cùng trạm của Đèo Cả trên Quốc lộ 1 nhưng VETC thu 2% phí, trạm thuộc BOO 2 Viettel lại yêu cầu tỷ lệ 4%.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phan Văn Thắng cho rằng, bản thân doanh nghiệp dự án BOT rất khó khăn, khi trích lại mức phí để chia sẻ kinh phí ETC thì lại càng áp lực, nhưng nhà đầu tư BOT cam kết ủng hộ chủ trương của Chính phủ. Tuy nhiên, nhà đầu tư BOT cảm thấy có sự không bình đẳng, khi mà nhà đầu tư BOO được tính toán để đảm bảo phương án tài chính, còn nhà đầu tư BOT lại chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi nhà đầu tư BOT bỏ vốn đầu tư lớn hơn rất nhiều nhà đầu tư BOO, lại là người đầu tư công trình, dịch vụ.
Một số ý kiến đề nghị Bộ GTVT trên cơ sở đàm phán hợp đồng và cân đối các chi phí, cần có sự hài hòa giữa dự án BOT và BOO. Dù tỷ lệ trích doanh thu sẽ được bổ sung vào phương án tài chính dự án BOT để kéo dài thời gian thu phí nhưng trong bối cảnh nhiều dự án BOT đang hụt thu rất lớn, phương án tài chính bấp bênh, nguy cơ đổ vỡ, thì cần có sự chia sẻ hai bên. Về lâu dài, có thể xem lại phương án tài chính của các nhà đầu tư ETC để có phương án hợp lý hơn.