Thêm một vaccine Covid-19 đạt hiệu quả cao

0:00 / 0:00
0:00

Thử nghiệm cho thấy vaccine phòng Covid-19 của Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca đạt hiệu quả lên tới 90%...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Một loại vaccine ngừa Covid-19 phát triển bởi Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca cho thấy khả năng phòng bệnh ở đa số tình nguyện viên được tiêm trong một cuộc thử nghiệm quy mô lớn. Đây là một bước tiến hứa hẹn nữa hướng tới đẩy lui đại dịch toàn cầu, và loại vaccine này có thể sẽ bắt đầu được tiêm chính thức từ tháng tới.

Theo tin từ Bloomberg, phân tích ban đầu cho thấy vaccine của Oxford-AstraZeneca đạt hiệu quả bình quân 70% trên các tình nguyện viên. Độ hiệu quả đạt 90% ở những tình nguyện viên chỉ tiêm một mũi, thay vì tiêm thêm mũi thứ hai với lượng thuốc bằng một nửa của mũi tiêm thứ nhất. Mức hiệu quả này đã gần ngang với mức 95% và 94,5% mà các vaccine ngừa Covid-19 của hai hãng dược Pfizer và Moderna đạt được.

"Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo rằng có một loại vaccine mà mọi người có thể tiếp cận được ở tất cả mọi nơi. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ thực sự làm được việc này", ông Andrew Pollard, người đứng đầu cuộc thử nghiệm của Oxford-AstraZeneca, phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 23/11.

Kết quả trên được đưa ra dựa trên các cuộc thử nghiệm tiến hành ở Anh và Brazil, với 131 tình nguyện viên mắc Covid-19 sau khi tiêm. Những người tiêm đủ hai mũi cho thấy hiệu quả phòng bệnh đạt 62%, trong khi những người tiêm một mũi cho thấy hiệu quả 90%. Trong số những người đã tiêm mà vẫn mắc Covid-19, không có trường hợp nào rơi vào thể nặng và không ai phải nhập viện.

Giá cổ phiếu AstraZeneca có lúc giảm 4,2% trong phiên giao dịch tại London do một số nhà đầu tư đã kỳ vọng vaccine của hãng đạt hiệu quả cao hơn. Từ tháng 3 đến nay, cổ phiếu này đã tăng khoảng 30%.

Tại Mỹ, vaccine của Oxford và AstraZeneca cũng đã được tiêm thử nghiệm cho khoảng 10.500 người. Kết quả thử nghiệm tại đây có thể sẽ giữ vai trò then chốt để vaccine này được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn.

Dù đạt hiệu quả thấp hơn so với vaccine của Pfizer hay Moderna, vaccine của Oxford và AstraZeneca - hãng dược có trụ sở tại Anh - có một số ưu điểm. Trong đó, ưu điểm lớn nhất là vaccine này có thể trữ trong điều kiện nhiệt độ tủ lạnh, trong khi hai vaccine đối thủ đòi hỏi phải được đóng đông mới có thể lưu trữ và vận chuyển trong thời gian dài.

Vì thế, loại vaccine đến từ Anh dễ triển khai toàn cầu hơn, nhất là tại những nước có thu nhập thấp và trung bình. Ngoài ra, giá vaccine này cũng có giá dự kiến rẻ hơn.

AstraZeneca dự kiến đến cuối quý 1/2020 sẽ có hơn 300 triệu liều vaccine Covid-19 sẵn sàng để đưa đi khắp thế giới, và sản lượng mỗi tháng sẽ đạt 100-200 triệu liều.

AstraZeneca cho biết sẽ ngay lập tức trình dữ liệu lên nhà chức trách trên toàn cầu để vaccine Covid-19 của hãng được phê chuẩn sớm. Tuy nhiên, cũng như các nhà phát triển vaccine Covid-19 khác, Oxford và AstraZeneca chưa thể biết vaccine của họ có hiệu quả ngừa bệnh trong bao lâu. Hiện nay, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy nahnh việc rà soát kết quả vaccine của cả AstraZeneca và Pfizer - hãng đã xin cấp phép để vaccine bắt đầu được tiêm khẩn cấp ở Mỹ trong tháng 12.

AstraZeneca và Oxford nằm trong số những nhà phát triển vaccine Covid-19 hành động nhanh nhất thế giới. Sau nhiều năm bào chế vaccine chống hội chứng đường hô hấp cấp Trung Đông (MERS), một căn bệnh được coi là "anh em" của Covid-19, các nhà khoa học của Oxford đã có một lợi thế để tạo ra vaccine ngừa Covid-19.

Chuyên đề