Thêm cơ hội cho vốn ngoại vào ngân hàng Việt

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu đến 49% tại một ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc; cổ phần hóa Agribank với tỷ lệ sở hữu nhà nước giảm xuống 65%; 2 ngân hàng trong nước có thể nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) lên 49% theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là những cánh cửa mở ra kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ chảy mạnh vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam.
Agribank thuộc danh mục phải cổ phần hóa trong giai đoạn 2022 - 2025 với tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ còn 65%. Ảnh: Lê Tiên
Agribank thuộc danh mục phải cổ phần hóa trong giai đoạn 2022 - 2025 với tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ còn 65%. Ảnh: Lê Tiên

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.

Trong đó, nội dung bổ sung đáng chú ý là: “Trong trường hợp đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc vượt giới hạn quy định tại Khoản 5 Điều này khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc.”

Liên quan nội dung này, từ giữa năm nay các ngân hàng gồm MBBank, Vietcombank, HDBank, VPBank đều đã công bố sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.

Ở khía cạnh khác, theo quy định tại EVFTA, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (1/8/2020), Việt Nam cam kết sẽ xem xét cho phép các tổ chức tín dụng EU được nâng mức nắm giữ lên tối đa 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam. Cam kết này không áp dụng với 4 ngân hàng thương mại nhà nước (BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank).

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1479/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), DN có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, trong lĩnh vực ngân hàng, Agribank thuộc danh mục phải cổ phần hóa trong giai đoạn 2022 - 2025 với tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ còn 65%, VietinBank giữ nguyên tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ 64,46%, BIDV và Vietcombank thực hiện theo Đề án “Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” và “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Hiện tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ tại BIDV và Vietcombank lần lượt ở mức 80,9% và 74,8%.

Theo đánh giá của ông Trần Tánh, Phó phòng Phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam, việc đưa ra quy định rõ về “room ngoại” tại các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ở mức 49% và chủ trương cổ phần hóa Agribank trong giai đoạn 2022 - 2025 mở ra cơ hội tham gia tốt hơn cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam. Đồng thời, việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ giúp tăng cường nguồn vốn cho các ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh nhà băng đang chạy đua tăng vốn để hoàn thành các chỉ tiêu tài chính hướng tới chuẩn Basel II và Basel III.

“Bên cạnh các cơ hội đó, hai bên nội - ngoại cũng sẽ có sự giằng co đáng kể trong thời gian tới về cả mức giá mua bán và tỷ lệ sở hữu. Vì thế, có thể kỳ vọng dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, dù chủ trương Chính phủ đã có nhưng nếu các ngân hàng Việt Nam vẫn ngại ngần và khống chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức thấp như những năm qua thì triển vọng thu hút vốn ngoại có thể chỉ cầm chừng”, ông Tánh nói.

Trong khi đó, theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài là một chủ trương thận trọng và cần thiết trong thời gian qua. Việc nêu rõ tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc lên đến 49% là bước đi phù hợp để nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia sâu rộng hơn tại thị trường ngân hàng Việt Nam trên cơ sở hợp tác đôi bên cùng có lợi. Thực tế cho thấy, việc giới đầu tư nước ngoài tham gia tại các ngân hàng Việt Nam, dù kín room (30%) hay nắm tỷ lệ cổ phần chưa cao, song có đóng góp khá tốt. Sự phát triển của các ngân hàng có cổ đông ngoại như ACB, Techcombank, MB, VIB, VPBank, OCB... cho thấy rõ điều này.

Chuyên đề