Tháo “vòng kim cô” để ổn định thị trường vàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới và giữa giá vàng miếng SJC với các loại vàng khác có cùng hàm lượng, tăng giá bán và giảm giá mua là một số hiện tượng “phi thị trường” song lại phổ biến trên thị trường vàng Việt Nam, tác động tiêu cực đến người dân và xã hội. Nhiều ý kiến đề xuất cần xem lại quy định về quản lý thị trường vàng theo hướng tăng tính liên thông với thị trường thế giới và phát triển giao dịch vàng trên tài khoản.
Việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng là cần thiết. Ảnh: Ngọc Thắng
Việc sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng là cần thiết. Ảnh: Ngọc Thắng

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá lớn

Đầu giờ sáng 25/1, giá vàng thế giới giao ngay trên sàn giao dịch Kitco ở mức 2.013 USD/ounce, giảm khoảng 15 USD/ounce so với cùng thời điểm ngày 24/1. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành, vàng thế giới có giá hơn 59 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Cùng thời điểm, tại thị trường Việt Nam, vàng SJC tại Hà Nội niêm yết ở mốc 74,2 - 76,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán ra, cao hơn giá vàng quốc tế khoảng 15 triệu đồng/lượng.

Trước đó, ngày 27/12/2023, giá vàng SJC lập đỉnh ở mức 78,3 - 80,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), cao hơn giá vàng nhẫn khoảng 16 triệu đồng/lượng và cao hơn giá vàng thế giới khoảng 20 triệu đồng/lượng. Ngày 23/12/2023, giá vàng SJC biến động trái chiều, giá mua vào giảm 100.000 đồng/lượng, giá bán ra tăng 100.000 đồng/lượng, niêm yết ở mức 75,7 - 76,92 triệu đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng trong nước khác biệt so với xu hướng thế giới diễn ra khá phổ biến trong thời gian gần đây, sau hơn 11 năm thị trường được quản lý theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trước thời điểm 2012, vàng được coi như một phương tiện thanh toán, dẫn đến thời kỳ "vàng hóa nền kinh tế". Nghị định 24/2012/NĐ-CP với quy định Nhà nước lấy một thương hiệu vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia, Nhà nước là cơ quan độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đã được ban hành kịp thời và phát huy tác dụng, hạn chế được tình trạng dùng vàng làm phương tiện thanh toán, giao dịch.

Tuy nhiên, theo ông Cường, kinh tế trong nước và thế giới đã có nhiều thay đổi và cách thức quản lý như vậy không còn phù hợp. Bởi lẽ, bên cạnh việc độc quyền, vẫn phải tăng cung vàng trên thị trường theo nhu cầu thực tế, song lại không có chuyện sản xuất thêm vàng miếng. Trong khi đó, nhiều người Việt Nam vẫn có tâm lý tích trữ vàng phòng rủi ro nên cầu về vàng tăng. Khi vàng SJC được xác định là thương hiệu quốc gia thì đương nhiên người dân sẽ có xu hướng lựa chọn loại vàng này dù hàm lượng và chất lượng so với các loại vàng khác có thể như nhau. Sự lệch pha cung - cầu đã đẩy giá vàng tăng bất thường.

Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng, việc Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng, nhưng từ năm 2014 đến nay không nhập khẩu vàng nữa cũng đồng nghĩa với việc không còn liên thông với thế giới. Ngược lại, trong trường hợp liên thông tốt, khi vàng trong nước giá cao, chúng ta nhập khẩu để cân bằng. Nếu trong nước giá thấp, thế giới giá cao thì xuất khẩu để cân bằng. Việc không liên thông dẫn đến tình trạng “lệch pha” phi lý giữa giá vàng trong nước và thế giới. Những người có nhu cầu sở hữu và tích lũy vàng sẽ chịu thiệt bởi phải mua vàng với giá rất cao. Đồng thời, tạo sự không bình đẳng giữa các loại vàng có cùng hàm lượng và chất lượng. Về mặt xã hội, khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch lớn sẽ làm phát sinh nhu cầu nhập lậu vàng kiếm lời.

Từ góc độ các doanh nghiệp vàng, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, tình trạng chênh lệch giá vàng quốc tế với giá vàng trong nước quá lớn cùng với việc không cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu chính thống dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng trang sức có nhu cầu về vàng nguyên liệu cũng không biết mua ở đâu và có thể gặp rủi ro nếu mua vàng trôi nổi trên thị trường.

“Rất nhiều vụ án buôn lậu vàng lớn đã bị phát hiện song đó chưa phải là tất cả. Do Việt Nam không khai thác được vàng nên câu hỏi đặt ra là số vàng lưu thông trên thị trường hiện nay và số nguyên liệu đó có nguồn gốc từ đâu? Nếu tính đến nguồn từ các doanh nghiệp thực hiện phân kim để có vàng nguyên liệu thì chiếm tỉ lệ rất thấp”, ông Hùng chia sẻ.

Sự lệch pha cung - cầu đã đẩy giá vàng tăng bất thường trong thời gian qua. Ảnh: Ngọc Thắng

Sự lệch pha cung - cầu đã đẩy giá vàng tăng bất thường trong thời gian qua. Ảnh: Ngọc Thắng

Cần quản lý theo xu hướng thế giới

Bàn về giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững, TS. Trần Thọ Đạt, chuyên gia kinh tế cho rằng, đã đến lúc phải liên thông với thị trường thế giới, loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là chênh lệch giá vàng SJC như hiện nay bằng các giải pháp thị trường, việc sản xuất vàng miếng phải trao cho thị trường. Đồng thời, chính sách quản lý thị trường vàng cần tiến tới tự do hoá xuất nhập khẩu thông qua quản lý thị trường hàng hoá, Nhà nước chỉ điều tiết về chính sách như các nước khác trên thế giới. Bên cạnh đó, phải sớm chuyển đổi thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch thông qua các hợp đồng.

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, rất cần thay đổi về phương thức quản lý, cần sửa đổi Nghị định số 24. Vấn đề trước hết là xem xét có nhất thiết phải độc quyền hay không, nếu Nhà nước cho phép nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân thì có thể giảm áp lực về nguồn cung.

Mặt khác, theo ông Cường, cần liên thông giữa thị trường trong nước và quốc tế theo hướng xem xét các quy định về quản lý xuất nhập khẩu vàng. Không phải cứ duy trì một cơ chế như trước đây là cấp phép, cấp quota theo dạng "xin - cho" mà có thể sử dụng các công cụ tài chính để điều tiết quan hệ xuất nhập khẩu đó. Đồng thời, cần có các phương thức giao dịch vàng đa dạng hơn. Nghị định số 24/2012/NĐ-CP đã đề cập nội dung kinh doanh vàng trên tài khoản, nhưng không có hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, nếu mở thêm các hình thức kinh doanh vàng trên tài khoản thì sẽ không bị lệ thuộc vào việc nhập khẩu vàng vật chất, thay vào đó, có thể sử dụng các công cụ phái sinh để cân đối cung cầu.

Từ góc độ khác, ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng, theo thông lệ quốc tế, vàng được coi là một loại hàng hóa gồm vàng vật chất và vàng phi vật chất. Vàng phi vật chất bao gồm vàng tài khoản và các chứng chỉ về vàng được giao dịch rất thông dụng trên thị trường.

Theo khảo sát của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, tại nhiều nước trên thế giới, các ngân hàng trung ương không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng với quan điểm vàng là một loại hàng hóa thông thường. Thay vào đó, vàng được quản lý bởi bộ thương mại hoặc bộ công thương, bộ kinh tế...

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, việc thực thi Nghị định 24/2012/NĐ-CP hơn 11 năm qua đã đạt được mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế, không để ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Song đến nay, các điều kiện kinh tế - xã hội đã thay đổi nên việc sửa Nghị định 24 là cần thiết và đáng lẽ phải sửa đổi sớm hơn.

“Về việc sửa Nghị định, mục tiêu quan trọng nhất trong quá trình xây dựng và suốt quá trình triển khai Nghị định 24 là chống vàng hóa nền kinh tế, không để ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất. Chúng tôi đang xem xét việc độc quyền vàng miếng SJC có còn cần thiết không. Điều này cần phải đánh giá thấu đáo”, ông Tú nhấn mạnh.

Chuyên đề