Quy định tại Thông tư số 07/2024/TT-BYT tạo thuận lợi cho nhà thầu trong trường hợp mặt hàng thuốc dự thầu có giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu, giấy phép GMP hết hiệu lực. Ảnh: Lê Tiên |
Những khó khăn thực tiễn
Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1 tham dự 3 phần (lô) của Gói thầu Cung cấp thuốc ARV sử dụng nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) và chi phí cùng chi trả cho các cơ sở điều trị trên toàn quốc năm 2023 do Trung tâm Mua sắm tập trung (MSTT) thuốc quốc gia làm bên mời thầu, nhưng đều trượt thầu vì tất cả các mặt hàng dự thầu không đạt tư cách hợp lệ. Nguyên nhân là giấy phép lưu hành hết hiệu lực nhưng chưa được gia hạn, trong khi số lượng thuốc tồn kho trong thẻ kho không đáp ứng yêu cầu.
Tại Gói thầu Cung cấp thuốc generic năm 2023 - 2024 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang (hơn 304 tỷ đồng), hàng chục nhà thầu bị loại vì lý do: thẻ kho không thể hiện đủ số lượng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT); nhà thầu cung cấp thẻ kho không phải của nhà thầu nên không thể hiện được số lượng đáp ứng theo yêu cầu của HSMT; không cung cấp được thẻ kho, báo cáo tồn kho…
Những trường hợp nêu trên chỉ thể hiện được một phần những khó khăn mà các nhà thầu gặp phải thời gian qua. Theo chia sẻ của một số nhà thầu, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự chậm trễ của cơ quan chức năng trong việc phê duyệt hồ sơ đề nghị gia hạn/cấp phép số đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đáp ứng thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) tồn đọng kéo dài…, không ít doanh nghiệp không thể cung cấp được kịp thời các tài liệu chứng minh thuốc để đủ tư cách hợp lệ tham dự thầu. Để khắc phục khó khăn trước mắt, Thông tư số 06/2023/TT-BYT đã xử lý bằng cách cho phép nhà thầu cung cấp thẻ kho thể hiện xuất nhập tồn mặt hàng dự thầu và hóa đơn mua vào, bán ra tương ứng.
Tuy nhiên, quy định này vẫn làm khó nhà thầu. Khi dự thầu, HSMT yêu cầu nhà thầu phải có thẻ kho chứng minh có 10 triệu viên thuốc, nhưng nếu không trúng thầu thì nhà thầu không biết làm gì với số thuốc lớn như vậy, đó là chưa kể thuốc để lâu, hết hạn sử dụng thì phải tiêu hủy. Trong trường hợp nhà thầu cung cấp được thẻ kho thì bên mời thầu cũng không thể biết được đó là thẻ thật hay thẻ ảo, vì các nhà thầu có thể lách luật bằng cách mượn thẻ kho của nhau…
Thông tư số 07/2024/TT-BYT đã hài hòa, cân bằng được lợi ích của các chủ thể trong đấu thầu, vừa bảo đảm nguồn cung ứng thuốc khi trúng thầu, vừa giảm rủi ro cho các nhà thầu. Ảnh: Nhã Chi |
Gỡ nhiều vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà thầu
Để khắc phục những bất cập nêu trên, Thông tư số 07/2024/TT-BYT quy định theo hướng cho phép trường hợp mặt hàng thuốc tham dự thầu có giấy đăng ký lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu hết hạn hiệu lực trước thời điểm đóng thầu, nhà thầu có văn bản cam kết bảo đảm cung ứng thuốc theo yêu cầu của HSMT và bổ sung thẻ kho tương ứng 3 tháng theo tiến độ cung ứng được ghi trong HSMT (thay thẻ kho bằng giấy tờ khác phù hợp với thuốc phóng xạ; không áp dụng chứng minh bằng thẻ kho với mua sắm tập trung).
Đối với trường hợp giấy phép GMP hết hiệu lực trước thời điểm đóng thầu, Thông tư số 07/2024/TT-BYT cho phép nhà thầu có văn bản cam kết bảo đảm cung ứng thuốc theo yêu cầu của HSMT và bổ sung thẻ kho tương ứng 3 tháng theo tiến độ cung ứng được ghi trong HSMT (đối với thuốc phóng xạ thì thay thẻ kho bằng giấy tờ khác phù hợp; đối với mua sắm tập trung thì không áp dụng chứng minh bằng thẻ kho).
“Đây là một trong những bước tiến đáng ghi nhận. So với các quy định trước đây, Thông tư số 07/2024/TT-BYT đã hài hòa, cân bằng được lợi ích của các chủ thể trong đấu thầu, vừa bảo đảm nguồn cung ứng thuốc khi trúng thầu, vừa giảm rủi ro cho các nhà thầu khi phải chứng minh khả năng cung ứng với số lượng lớn, tương ứng với yêu cầu của gói thầu đang xét. Thông thường đối với thuốc nhập khẩu, chỉ khi trúng thầu, thì doanh nghiệp mới làm thủ tục nhập khẩu”, đại diện một hiệp hội doanh nghiệp dược phẩm nước ngoài đánh giá.
Thông tư số 07/2024/TT-BYT gồm có 5 chương, 41 điều và 8 phụ lục, quy định về hoạt động đấu thầu thuốc sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn Quỹ BHYT và nguồn thu hợp pháp khác của cơ quan hành chính nhà nước về y tế và đơn vị sự nghiệp y tế công lập, bao gồm: phân chia gói thầu và nhóm thuốc; quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc; mua sắm thuốc. Thông tư chỉ áp dụng đối với việc đấu thầu thuốc hoá dược, thuốc phóng xạ, chất đánh dấu, vắc xin, sinh phẩm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, dược liệu, vị thuốc cổ truyền và các loại khí được cấp số đăng ký lưu hành là thuốc để phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Quy định pháp luật đã rõ ràng, nhưng quan trọng hơn, theo đại diện hiệp hội này, vẫn là khâu thực thi. Từ kinh nghiệm thời gian qua, khi xảy ra vướng mắc, cơ quan quản lý nhà nước cần lắng nghe ý kiến của các bên, chủ động xử lý rủi ro. Bởi vì đấu thầu thuốc tập trung là mua sắm với số lượng lớn, quy định sự hiện diện của một mặt hàng thuốc trong thị trường đó và còn ảnh hưởng tới quyết định ra mắt thuốc mới, thu hút đầu tư và triển khai Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Thông tư số 07/2024/TT-BYT cũng xử lý được những vấn đề bất cập đã được chỉ ra trong thời gian qua như việc phân nhóm thuốc, cách ghi dạng bào chế thuốc tại kế hoạch lựa chọn nhà thầu (LCNT), tiêu chuẩn nhà sản xuất; công bố các danh mục thuốc phục vụ lựa chọn nhà thầu; hướng dẫn xử lý trường hợp không thể tự tổ chức lựa chọn nhà thầu hoặc đã tổ chức lựa chọn nhà thầu nhưng không thành công; công bố danh sách các cơ sở sản xuất, nhà cung cấp thuốc đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và uy tín để làm cơ sở cho việc mời tham gia đấu thầu hạn chế…
Chẳng hạn, căn cứ lập kế hoạch LCNT, trước đây các cơ sở y tế phải ghi rõ nguồn vốn dùng để mua thuốc, trong khi việc lập kế hoạch LCNT không nằm trọn trong năm ngân sách tài chính, hoặc lập cho 2 - 3 năm đối với đấu thầu tập trung, hợp đồng khám chữa bệnh BHYT thực hiện trong 1 năm nên không thể xác định được số kinh phí cụ thể, mà chỉ ước tính số kinh phí dự kiến, gây khó khăn cho việc thẩm định nguồn vốn kế hoạch. Tháo gỡ vướng mắc này, Thông tư số 07/2024/TT-BYT quy định: Trường hợp chủ đầu tư có sẵn kinh phí để mua sắm trong năm ngân sách, năm tài chính và không dùng nguồn thu dự kiến trong năm thì không phải xác định dự toán mua sắm như trên. Trong trường hợp này, dự toán mua sắm là khoản kinh phí có sẵn dùng để mua sắm trong năm ngân sách, năm tài chính. Trường hợp gói thầu có thời gian thực hiện hợp đồng dài hơn 1 năm thì nêu rõ dự toán mua sắm của năm ngân sách, năm tài chính và dự kiến dự toán mua sắm của các năm tiếp theo.