Các cơ sở y tế mong sớm có khung pháp lý để mua sắm được thuốc, thiết bị y tế chất lượng với giá hợp lý theo đúng quy định của pháp luật. Ảnh: Lê Tiên |
Làm thế nào để cân bằng giữa tiêu chí giá và chất lượng trong mua sắm hàng hóa lĩnh vực y tế là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều chủ thể, trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023.
Góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu tại Hội thảo ngày 1/11 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thu Hằng, Trưởng bộ phận Quan hệ Chính phủ và chính sách công của Công ty TNHH Johnson & Johnson Việt Nam cho rằng, các gói thầu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế (TBYT) có tính chất đặc thù và có tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người, nên ưu tiên chọn lựa theo yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cao. Muốn lựa chọn được hàng hóa tốt, cần có sự cân bằng giữa yêu cầu về giá và chất lượng.
Theo bà Hằng, thiết bị y tế đang được coi là hàng hóa thông thường, tỷ trọng điểm kỹ thuật thấp, khiến các cơ sở y tế khó mua được hàng hóa có tính chất kỹ thuật cao, đáp ứng tốt hơn cho các nhu cầu điều trị. Do đó, đại diện Johnson & Johnson kiến nghị nâng tỷ trọng điểm kỹ thuật lên so với quy định hiện hành đối với gói thầu mua TBYT, hóa chất, vật tư xét nghiệm, chẳng hạn: tỷ trọng điểm về kỹ thuật (K) từ 30% trở lên và không vượt quá 50%, tỷ trọng điểm về giá (T) lớn hơn 50% và tối đa là 70%.
Về thuốc, bà Trần Thị Thư, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dược Việt Nam cho rằng, thuốc có yêu cầu kỹ thuật rất cao, nên tỷ trọng giữa hệ số K và hệ số T ở mức 40% - 60% là phù hợp. Do tính đặc thù của lĩnh vực y tế, bà Thư đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Y tế chủ trì hướng dẫn trong phạm vi quản lý chuyên ngành. Cũng theo bà Thư, Hiệp hội luôn theo dõi và bám sát các phiên bản Dự thảo Nghị định từ những ngày đầu cho đến nay và hầu hết góp ý đã được Ban soạn thảo tiếp thu.
Góp ý cho Dự thảo Nghị định, bác sỹ Nguyễn Thị Lương Phong, Giám đốc Đối ngoại Công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam nêu Điều 36, khoản 2 đã có quy định: “Đối với gói thầu mua thuốc: Tỷ trọng điểm về kỹ thuật (K) từ 30% đến 40%, tỷ trọng điểm về giá (T) từ 60% đến 70%”. Như vậy, tỷ trọng điểm kỹ thuật đã được tăng từ 20%-30% lên 30%-40% so với các bản dự thảo trước, nhưng thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế có tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người nên yêu cầu chất lượng kỹ thuật có tỷ trọng cao hơn. Theo đó, bác sỹ Phong đề xuất: “Đối với gói thầu mua thuốc: Tỷ trọng điểm về kỹ thuật (K) từ 40% đến 60%, tỷ trọng điểm về giá (T) từ 40% đến 60%”.
Cũng theo bác sỹ Phong, tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong trường hợp đặc biệt nhằm đảm bảo tiếp cận thuốc của người bệnh, cơ chế mua sắm thỏa thuận đặc biệt với nhà sản xuất/nhà thầu sẽ được áp dụng, các thỏa thuận có thể dựa trên các yếu tố giá - sản lượng, giới hạn số lượng bệnh nhân, giới hạn mức ngân sách cố định, chi trả dựa trên hiệu quả điều trị. Đây cũng là những phương án đáng tham khảo cho Việt Nam.
Nhiều chủ đầu tư chọn phương pháp giá thấp nhất khi đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế dẫn tới hiệu quả mua sắm không cao. Ảnh: Lê Tiên |
Trước những đề xuất về tỷ trọng điểm kỹ thuật và giá, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Dự thảo Nghị định có quy định cho phép trường hợp cần ưu tiên về yếu tố kỹ thuật so với yếu tố về giá, chủ đầu tư trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định tỷ trọng điểm về kỹ thuật (K) và tỷ trọng điểm về giá (T), nhưng đảm bảo tỷ trọng điểm về kỹ thuật không vượt quá 50%.
Để giúp các chủ đầu tư có đủ cơ sở để chấm điểm kỹ thuật, bà Nguyễn Chi Linh, Phó trưởng phòng Chính sách thuộc Cục Quản lý đấu thầu chia sẻ, Dự thảo Nghị định quy định nguyên tắc về công khai đánh giá chất lượng hàng hóa đã qua sử dụng, uy tín nhà thầu khi tham dự và thực hiện hợp đồng, còn tiêu chí đánh giá cụ thể sẽ được hướng dẫn tại thông tư.
Theo đó, nếu nhà thầu từ chối thương thảo, ký kết hợp đồng, từ chối thực hiện hợp đồng, hoặc không cung cấp hàng hóa đúng cam kết… thì đều bị Hội đồng khoa học của cơ sở y tế cập nhật đánh giá, xếp loại. Tất cả thông tin này được sử dụng để đánh giá về tính hợp lệ, năng lực kinh nghiệm và kỹ thuật của nhà thầu tham dự, nhẹ thì có thể bị trừ điểm, nặng thì có thể khóa tài khoản chứng thư số, không được tham dự thầu…
Lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu cho biết, không chỉ với nhà thầu, nhà sản xuất cung ứng hàng hóa trúng thầu cũng sẽ được đánh giá để ràng buộc trách nhiệm trong quá trình đấu thầu và cung ứng hàng hóa. Thực tế thời gian qua, có tình trạng nhà sản xuất chỉ cấp giấy phép bán hàng/giấy ủy quyền cho 1 nhà thầu, gây hạn chế cạnh tranh. Do vậy, cần có đánh giá uy tín đối với nhà sản xuất để bảo đảm hiệu quả hoạt động mua sắm của Chính phủ.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, Luật sư Nguyễn Hồng Chung khuyến nghị, mỗi ngành cần phải ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với tính chất đặc thù của từng ngành. Đối với ngành y tế, cần quy định rõ điều kiện để áp dụng phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu phù hợp, tránh tình trạng các chủ đầu tư chọn phương pháp giá thấp nhất cho an toàn với mình, nhưng hiệu quả mua sắm không cao. Cùng với đó, quy trình đánh giá phải được công khai, minh bạch để giúp các bên nắm thông tin và có cơ hội phản biện, giải thích kịp thời.