Gấp rút hoàn thiện khung pháp lý cho đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để có thể triển khai Luật Đấu thầu năm 2023 ngay khi có hiệu lực (1/1/2024), ông Dương Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế cho biết Bộ đang nỗ lực để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật theo hướng tích hợp các quy định của Thông tư số 14/2023/TT-BYT vào Dự thảo Nghị định quy định tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và ban hành kịp thời 3 thông tư hướng dẫn.
Ông Dương Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế. Ảnh: Lê Tiên
Ông Dương Đức Thiện - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính thuộc Bộ Y tế. Ảnh: Lê Tiên

Nghị quyết 30, Nghị định 07 của Chính phủ, hay Thông tư số 14/2023/TT-BYT sắp sửa hết hiệu lực (ngày 31/12/2023), trong khi Luật Đấu thầu năm 2023 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Việc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế sẽ thực hiện theo quy định nào đang là nỗi băn khoăn, lo lắng của nhiều địa phương, đơn vị hiện nay.

Theo ông Dương Đức Thiện cho biết, Bộ Y tế đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Đấu thầu.

Cụ thể, Bộ Y tế đã và đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu. Trong đó, tích hợp các quy định của Thông tư số 14 vào Dự thảo Nghị định này, để khi có hiệu lực cùng với Luật thì sẽ triển khai được ngay.

Song song với đó, Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện để ban hành kịp thời trong tháng 12 này Thông tư ban hành Danh mục thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy định quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá; Thông tư ban hành các danh mục thuốc phục vụ công tác đấu thầu; Thông tư quy định về cơ chế đối với thuốc hiếm được Nhà nước đảm bảo.

Liên quan đến tình trạng vẫn còn một số cơ sở y tế chưa mua được thuốc thuộc danh mục các thuốc do cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu, qua kết quả của nhiều đoàn giám sát của Bộ Y tế cho thấy, phần lớn do nguyên nhân khách quan là nhân lực thực hiện công tác mua sắm thuốc tại các đơn vị còn mỏng, thiếu cán bộ, nhân viên có chuyên môn về công tác đấu thầu. Nhiều cán bộ, nhân viên vừa phải đảm nhiệm công tác khám, chữa bệnh, vừa tham gia công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Việc nhiều cơ sở y tế đã mua được thuốc, còn một số cơ sở y tế không mua được thuốc không phải do văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và cũng không do ảnh hưởng kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá.

Đối với công tác đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá, trong năm 2022 - 2023, ông Lê Việt Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế cho biết, cho đến nay, các thuốc trúng thầu đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hầu hết đảm bảo cung ứng đầy đủ tới các cơ sở y tế. Điều này cho thấy kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia đã góp phần giúp ổn định tình hình cung ứng thuốc tại các địa phương, đặc biệt có ý nghĩa đối với các thuốc có số lượng nhu cầu sử dụng lớn như thuốc kháng sinh, tiêu hóa, tim mạch và thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Theo báo cáo tình hình thực hiện kết quả trúng thầu đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá của các cơ sở y tế, đến nay đã thực hiện được từ 1/2 - 2/3 thời gian thực hiện tùy từng gói thầu và tỷ lệ thực hiện của các cơ sở y tế trung bình đạt khoảng 60% số lượng thuốc trúng thầu được phân bổ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư