Trái phiếu chính phủ lãi suất cao đã và đang gây áp lực cho mặt bằng lãi suất. Ảnh: Huyền Trang |
Lãi suất tăng, doanh nghiệp gặp khó
Số liệu từ NHNN cho thấy, tháng 12/2015, tính chung toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), có 11 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất các kỳ hạn khoảng 0,1% - 0,5%/năm. Sang nửa đầu tháng 1/2016, có 3 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất khoảng 0,1% - 0,3%/năm ở các kỳ hạn trên 6 tháng. Lãi suất huy động của hệ thống TCTD hiện phổ biến ở mức 4,5% - 5,4%/năm đối với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng và 5,5% - 7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 6 tháng.
Lãi suất ngân hàng có tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng lãi suất huy động trong thời gian gần đây, NHNN đã kịp thời ban hành văn bản chấn chỉnh các NHTM có biểu hiện “lách” trần lãi suất, với mục tiêu giữ ổn định thị trường, tạo tâm lý yên tâm cho DN trước những lo lắng về nguy cơ tăng lãi suất.
Ở nước ta, do các kênh huy động vốn đối với DN còn hạn chế nên nguồn vốn từ các ngân hàng luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng, vì vậy, lãi suất cho vay của các NHTM luôn có tác động rất lớn đến hoạt động của DN.
Thực tế, khi vay vốn từ NHTM, DN phải trả lãi suất cho vay cho ngân hàng. Lãi suất cho vay phản ánh giá cả của đồng vốn mà người sử dụng vốn là các DN phải trả cho người cho vay là các NHTM. Đối với DN, lãi suất cho vay hình thành nên chi phí vốn và là chi phí đầu vào của quá trình sản xuất, kinh doanh. Do đó, mọi sự biến động về lãi suất cho vay trên thị trường đều ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh hay nói cách khác là tác động trực tiếp đến lợi nhuận của DN.
Lãi suất cho vay của NHTM tăng sẽ đẩy chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm tăng lên, làm suy giảm lợi nhuận cũng như khả năng cạnh tranh của DN. Xu hướng tăng lãi suất ngân hàng sẽ luôn đi liền với xu hướng cắt giảm, thu hẹp quy mô và phạm vi của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế. Ngược lại, khi lãi suất ngân hàng giảm sẽ tạo điều kiện cho DN giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh. Lãi suất cho vay thấp luôn là động lực khuyến khích DN mở rộng đầu tư, phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, kích thích tăng trưởng trong toàn bộ nền kinh tế.
Thách thức trong giữ ổn định lãi suất
Năm 2015, mặt bằng lãi suất được đánh giá đã giảm khá mạnh. Lãi suất huy động giảm 0,2 - 0,5%/năm; lãi suất cho vay cũng giảm 0,3 - 0,5%/năm so với cuối năm trước đó, đưa mặt bằng lãi suất giảm khoảng 50% so với cuối năm 2011.
Tuy nhiên, khi so sánh với các nước trong khu vực, lãi suất của Việt Nam vẫn cao. Điều này là do chúng ta vừa phải điều hành chính sách tiền tệ, nhưng hệ thống ngân hàng đang tái cơ cấu các TCTD. Các TCTD phải sử dụng phần lớn lợi nhuận để xử lý nợ xấu, nên khả năng tiếp tục giảm lãi suất sẽ khó khăn. Bên cạnh đó, trái phiếu chính phủ lãi suất cao cũng gây áp lực cho mặt bằng lãi suất. Mặc dù năm 2015 lạm phát thấp, chỉ ở mức 1% và là dư địa tốt để giảm lãi suất một cách tích cực nhưng qua nhiều dự báo về tình hình thị trường thế giới sẽ có biến động khó lường, chúng ta vẫn không thể chủ quan với lạm phát năm 2016.
Năm 2016, việc giữ ổn định lãi suất là một thách thức rất lớn bởi nhiều yếu tố gây áp lực. Lạm phát được dự báo quanh mức 4 - 5% trong năm 2016 so với mức chỉ 0,6% của năm 2015, cho thấy kỳ vọng lạm phát năm nay cao hơn nhiều, qua đó gián tiếp tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động. Chưa kể, mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng 6,68% của năm 2015 và cao hơn so với bình quân cả giai đoạn 2011 - 2015 (5,88%), phản ánh nhu cầu vốn tín dụng gia tăng. Ngoài ra, việc lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng mạnh từ mức 5,4%/năm lên gần 7%/năm trong năm 2015 và dự kiến nhu cầu huy động vốn từ trái phiếu chính phủ trong năm 2016 còn cao hơn năm 2015 sẽ tạo áp lực rất lớn lên mặt bằng lãi suất trung và dài hạn.
Ngoài các biện pháp kiên định, đồng bộ như trước đây, năm 2016, NHNN sẽ có nhiều giải pháp, công cụ điều hành mới nhằm nâng cao khả năng điều tiết mặt bằng lãi suất thị trường phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ. Nếu thực hiện tốt các giải pháp, mục tiêu ổn định và phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016 là khả thi.