Ngân hàng lại 'đi đêm' lãi suất gửi tiền

Không chỉ trả tiền chênh khi gửi VND, một số nhà băng còn cộng thêm lãi suất cho khách gửi đôla, dù trần quy định hiện hành là 0%.
Nhiều ngân hàng tặng thêm lãi suất cho khách gửi tiền. Ảnh: Anh Quân.
Nhiều ngân hàng tặng thêm lãi suất cho khách gửi tiền. Ảnh: Anh Quân.

Đầu xuân luôn là thời điểm các nhà băng dễ huy động tiền gửi nhất do lượng tiền từ tiết kiệm, thưởng Tết hoặc vốn nhàn rỗi chưa kinh doanh vẫn còn nhiều. Do vậy, một số đơn vị vẫn tiếp tục chạy các chương trình khuyến mại rầm rộ, trong đó có cả việc "đi đêm" lãi suất sau Tết nguyên đán.

Trần lãi suất tiết kiệm tiền đồng kỳ hạn ngắn (dưới 6 tháng) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước hiện là 5,5% một năm, còn mức niêm yết kỳ hạn 1-3 tháng tại các nhà băng phổ biến khoảng 5% (với các ngân hàng quốc doanh) đến 5,3-5,4% (khối cổ phần). 

Tuy nhiên, thực tế nhiều người gửi tiền vẫn có thể hưởng mức cao hơn. Chị Ngọc (Ngọc Hồi, Hà Nội) cho biết vẫn được một nhà băng trụ sở ở Hà Nội cộng thêm lãi suất khi mở sổ một tháng với khoản gần 200 triệu đồng. Lãi suất cao hơn phần ghi trên sổ 0,6%. "Khoản chênh này tôi được nhận tiền mặt. Khi nhận, ngân hàng yêu cầu ký vào biên bản trả thưởng theo hình thức rút thăm may mắn", chị Ngọc kể. 

Tương tự, một nhà băng cổ phần khác cũng mời chào những khách hàng quen (thường xuyên mở sổ tiết kiệm, vay...) gửi tiền với mức chênh lãi suất 0,2-0,3%. Tùy vào mức độ thân quen, khách hàng có thể được chào tặng lãi suất nếu mở sổ từ một đến hai trăm triệu đồng trở lên. 

Bên cạnh tiền đồng, các nhà băng còn cam kết trả thêm lãi suất cho khách gửi đôla dù trần lãi suất gửi tiết kiệm đôla đã được Ngân hàng Nhà nước đưa xuống 0% từ năm 2015. Nhân viên của một ngân hàng cổ phần cỡ trung tại Hà Nội cho biết, nếu gửi đôla trên 30.000 USD, khách sẽ được trả thêm lãi suất từ 0,6% đến 0,9%, tùy kỳ hạn ngắn hay dài. Nữ nhân viên này còn cho biết so với các đơn vị khác, lãi suất này khá hấp dẫn và nhiều khách của các nhà băng lớn đã chuyển sang đây gửi vì được hưởng lãi suất, thay vì "nhờ giữ hộ". 

Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo của một ngân hàng có nhân viên "chào" lãi suất vượt trần lại không thừa nhận việc này. Vị này cho rằng trong bối cảnh hoạt động nêu trên không được nhà điều hành khuyến khích, đơn vị ông đang "dư đôla" và tín dụng đang tăng chậm thì không cần phải chạy đua huy động vốn quá mạnh. 

Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính từng trực tiếp điều hành hành ngân hàng nhiều năm cho rằng rất khó tin nếu nhà băng "đi đêm" lãi suất lại nói rằng họ đang dư đôla. "Hoạt động cho vay ngoại tệ hiện vẫn diễn ra tốt. Như vậy, có cầu ắt phải có cung. Ví dụ anh đang có một khách hàng cần vay 10 triệu USD mà mình không có đủ vốn, nhưng trong dân lại có sẵn thì nhà băng phải tìm cách thu hút thôi", ông nói. 

Trong khi đó, một lãnh đạo phụ trách nguồn vốn của ngân hàng quốc doanh lại cho rằng, không ngoại trừ trường hợp các đơn vị dùng nguồn vốn huy động ngoại tệ rẻ này để đổi sang VND cho vay. "Nếu như mọi năm, không nhiều khách hàng vay khi ra Tết thì năm nay lại khá hơn. Do đó, không loại trừ khả năng nhiều ngân hàng cần cân đối vốn nên mới trả thêm tiền chênh", bà nói. 

Tuy nhiên, một lãnh đạo của ngân hàng khác lại cho rằng, việc các nhà băng rầm rộ chạy đua chương trình hút khách gửi tiền "mang nhiều ý nghĩa quảng cáo", do thời điểm này tín dụng tăng chậm trong khi huy động tăng rất nhanh. 

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, khoản trả chênh lệch lãi suất của các nhà băng không lớn, có thể chỉ 0,1-0,2%, nhưng nhằm mục đích giữ chân khách hàng nhiều hơn là để bù đắp thanh khoản hay cân đối nguồn vốn. "Lãi suất là theo thị trường, nếu cứ áp dụng theo các mức trần, đôi khi khó thu hút khách trong khi với người gửi tiền, được tặng thêm lãi suất dù rất ít, họ vẫn hứng thú hơn. Do đó, nếu việc đi đêm lãi suất vì mục đích này thì có thể xem xét", một chuyên gia nhìn nhận.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư