Tập trung nguồn lực tạo đột phá về hạ tầng giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngay trong những ngày đầu xuân mới Quý Mão, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên khắp cả nước. Nhiều chỉ đạo quyết liệt, tư tưởng đột phá đã được người đứng đầu Chính phủ chia sẻ, tiếp tục tạo động lực, hứng khởi, quyết tâm hoàn thành nhanh nhất những công trình giao thông trọng điểm của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, động viên kỹ sư, công nhân thi công Dự án Cầu Mỹ Thuận 2. Ảnh: Dương Giang
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, động viên kỹ sư, công nhân thi công Dự án Cầu Mỹ Thuận 2. Ảnh: Dương Giang

Có cơ sở để đạt mục tiêu 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030

Cách đây một năm, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Thủ tướng đã thực hiện chuyến công tác "xuyên Việt, xuyên Tết" kiểm tra, đôn đốc các dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải. Năm 2022, các công trình giao thông trọng điểm đã có bước chuyển lớn trong bối cảnh nhiều khó khăn khi nhà thầu, nhà đầu tư tập trung dồn lực, hứng khởi thi công…

Những ngày đầu năm mới Quý Mão, Thủ tướng tiếp tục trực tiếp thị sát, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ nhiều công trình giao thông lớn, từ tuyến cao tốc nối hai tỉnh phía Bắc (Tuyên Quang - Phú Thọ), đường Vành đai 4 TP. Hà Nội, dọc các công trình thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1, giai đoạn 2, đến sân bay Long Thành, đường Tân Vạn - Nhơn Trạch (thuộc Vành đai 3 TP.HCM)… Đây đều là những đại công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng, khi hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển mới, động lực tăng trưởng mới cho đất nước.

Có thể nói chưa bao giờ việc đầu tư các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, đặc biệt là các tuyến cao tốc, được dồn lực đầu tư như hiện nay. Diễn biến này cho thấy quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn quân, toàn dân để hưởng ứng, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với mục tiêu phấn đấu tới 2025 có 3.000 km cao tốc và tới 2030 có ít nhất 5.000 km cao tốc.

Thủ tướng cho rằng, hai vấn đề quan trọng nhất với các dự án cao tốc là vốn và ý thức của toàn dân, chúng ta đã có, vấn đề là việc tổ chức thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất, chuyển hóa quyết tâm chính trị rất cao thành hành động. "Trong gần 20 năm, chúng ta mới làm được khoảng 1.000 km cao tốc, nhưng chúng ta có cơ sở, điều kiện để thực hiện mục tiêu đã đề ra trong những năm tới", Thủ tướng nhấn mạnh.

Với các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, Thủ tướng nhấn mạnh phải hết sức quyết liệt thì mới giữ được tiến độ của tất cả các dự án. Các bộ, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu… phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả; nhà thầu, nhà quản lý phải tạo thuận lợi cho nhau; làm việc nào dứt điểm việc đó…

Để người làm được ngẩng cao đầu mà làm, không phải chạy vạy

Trên các công trình dự án cao tốc Bắc - Nam, nhiều gói thầu lớn, phức tạp do nhà thầu Việt thi công đang vượt tiến độ, cho thấy năng lực của nhà thầu trong nước ngày càng được củng cố. Cơ chế cần khuyến khích, thúc đẩy nhà thầu, doanh nghiệp Việt lớn lên.

Thủ tướng nhấn mạnh bài học kinh nghiệm về bám sát thực tiễn, giải quyết ngay các vướng mắc, khó khăn. Các cơ quan nghiên cứu sửa đổi quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết để lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu tốt, đủ năng lực, tâm huyết, nói là làm. Tránh tình trạng nhà đầu tư, nhà thầu đã có công trình tốt trong thực tế nhưng lại không được tham gia các dự án với lý do không đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí, như vậy là tiêu chuẩn, tiêu chí có vấn đề. "Không cài cắm, lợi ích nhóm, làm sao để người làm được ngẩng cao đầu mà làm, công khai, minh bạch, không phải chạy vạy gì cả", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu với các dự án cao tốc nói chung cần tránh tình trạng chia quá nhỏ các gói thầu, có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường, mất nhiều thời gian làm các thủ tục, khó kiểm soát tiến độ và chất lượng, dễ nảy sinh tiêu cực. Rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1, Thủ tướng đã yêu cầu mỗi gói thầu trong giai đoạn 2 ít nhất phải khoảng 50 km.

Công trường tuyến Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc cao tốc Bắc - Nam Ảnh: Quý Bắc

Công trường tuyến Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc cao tốc Bắc - Nam Ảnh: Quý Bắc

Qua sông bắc cầu, qua đồng đổ đất, qua núi khoét núi

Từ thực tế tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Thủ tướng yêu cầu tránh tình trạng "ăn xổi ở thì", như cao tốc chỉ làm 2 làn đường, vừa làm xong đã phải làm lại, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; cao tốc ít nhất phải có 4 làn xe hoàn chỉnh với các nút giao, điểm dừng, làn dừng…

Thủ tướng cũng một lần nữa nhắc lại việc triển khai các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất, hiệu quả nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư, "qua sông bắc cầu, qua đồng đổ đất, qua núi khoét núi". Thủ tướng cho rằng, các dự án giai đoạn 2 đã cơ bản đáp ứng yêu cầu này, giảm được khâu giải phóng mặt bằng, hạn chế ảnh hưởng tới đời sống người dân, giảm chi phí, thời gian và tạo ra không gian phát triển mới.

Trên dọc tuyến cao tốc Bắc - Nam, những công trình như cầu Ồ Ồ, cầu Thần Vũ thuộc tuyến Diễn Châu - Bãi Vọt đã triển khai theo tinh thần ấy. Đó là những công trình cầu có độ cao lớn, đi qua khu vực di sản, rừng, địa hình hiểm trở... để vừa ít tác động tới môi trường, vừa tạo cảnh quan đẹp. Hay thay vì phải bạt núi làm đường uốn lượn, những công trình như hầm Thung Thi, hầm Thần Vũ xuyên qua núi vừa tạo ra con đường thẳng nhất, vừa bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… Để khuyến khích các nhà thầu đổi mới, sáng tạo, Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng tính toán định mức, chi phí phù hợp với các đổi mới, sáng tạo đó.

Tăng cường hợp tác công tư

Nhắc lại thực tế là dự án Diễn Châu - Bãi Vọt rất khó khăn nhưng vẫn có thể huy động hợp tác công tư, nhiều dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) triển khai nhanh hơn dự án đầu tư công, Thủ tướng đề nghị tăng cường hợp tác công tư trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Điểm cân bằng, hài hòa lợi ích cụ thể như thế nào thì các bộ phải ngồi lại, tính toán với nhà đầu tư.

Theo người đứng đầu Chính phủ, nếu chỉ nguồn lực Nhà nước thì không đủ, cần đẩy mạnh hợp tác công tư để thu hút mọi nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông vận tải, bởi "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân".

Thủ tướng cũng lắng nghe các kiến nghị của doanh nghiệp về các dự án giao thông nói chung, nhất là về thủ tục, nguồn vốn các dự án PPP, trong đó đề nghị tỷ lệ phần vốn Nhà nước thay đổi phù hợp tình hình từng dự án. Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định hướng dẫn Luật Đất đai để tạo thuận lợi cho các dự án đầu tư có sử dụng đất.

Chuyên đề