5.000 km đường cao tốc kết nối khát vọng thịnh vượng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đi qua năm 2022 đầy khó khăn, thách thức, thật tự hào khi con thuyền đất nước vẫn vững vàng tiến về phía trước, gặt hái nhiều thành quả quan trọng. Một trong số đó là dấu ấn kiến tạo “mạch máu” đường cao tốc quốc gia, hiện thực hóa kỳ vọng về tương lai thịnh vượng cho người dân khắp dặm dài đất nước.
Lựa chọn công trình có tính lan tỏa cao và xây dựng được cơ chế thu hút vốn đầu tư tư nhân có tính đột phá chính là chìa khóa hiện thực hóa mục tiêu 5.000 km đường cao tốc. Ảnh: Lê Tiên
Lựa chọn công trình có tính lan tỏa cao và xây dựng được cơ chế thu hút vốn đầu tư tư nhân có tính đột phá chính là chìa khóa hiện thực hóa mục tiêu 5.000 km đường cao tốc. Ảnh: Lê Tiên

Hiện thực hóa khát vọng 5.000 km cao tốc

Ngày 1/1/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn nút khởi công 12 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025. Sự kiện đánh dấu tầm mức mới của “cuộc cách mạng” về hạ tầng giao thông tiến lên hiện đại, linh hoạt, khả năng kết nối cao. Theo đó, đồng loạt từ Bãi Vọt, tỉnh Hà Tĩnh tới đất mũi Cà Mau, các nhà thầu cùng hàng nghìn người lao động chính thức “vào cuộc” triển khai thi công 331,3 km đường cao tốc với tổng vốn đầu tư hơn 52.280 tỷ đồng.

Đây là dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư lên tới 146.990 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, gồm 12 dự án thành phần như: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Tương lai không xa, trục “xương sống” này cùng với các cao tốc sắp đầu tư sẽ hình thành hệ thống cao tốc hoàn chỉnh, tạo động lực cho nền kinh tế bứt phá, là nền tảng quan trọng thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn 2045.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Trong năm 2022, cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2017 - 2020 với chiều dài 654 km gồm 8 dự án thành phần đầu tư công và 3 dự án đầu tư theo phương thức PPP cũng được quyết liệt đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành đầu năm 2022, cao tốc Cam Lộ - La Sơn vừa được đưa vào khai thác chính thức. 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây cũng đã thông tuyến kỹ thuật và sẽ sớm hoàn thành đưa vào sử dụng trong những tháng đầu năm 2023.

Ngoài trục Bắc - Nam, những dự án đường bộ cao tốc khác cũng được chuẩn bị đầu tư rất khẩn trương. Hiện tại 3 dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được các địa phương (đóng vai trò đơn vị chủ quản) quyết liệt giải phóng mặt bằng. Dự kiến 3 cao tốc có tổng chiều dài 358,7 km, tổng mức đầu tư hơn 84.528 tỷ đồng sẽ được khởi công trước 30/6/2023.

Thông tin từ tỉnh Cao Bằng cho thấy, địa phương này cùng với nhà đầu tư, tư vấn thiết kế đang khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng khởi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Cùng chung nỗ lực hiện đại hóa con đường, dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đang được rốt ráo điều chỉnh chủ trương đầu tư, bố trí vốn để triển khai trong thời gian sớm nhất.

Ở phía Nam, nhiều dự án cao tốc cũng có những chuyển biến tích cực. Các dự án TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài… được các địa phương tích cực chuẩn bị thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án. Tuyến Gia Nghĩa - Chơn Thành đầu tư theo phương thức PPP có bước tiến triển quan trọng khâu chuẩn bị đầu tư.

Đột phá mới từ tư duy mới

Cuộc cách mạng xây dựng cao tốc đã được kích hoạt và có bước tiến dài với tư duy mới, cách làm mới, nhờ đó bắt đầu tạo ra đột phá, giúp khai phóng nguồn lực đầu tư mạng lưới cao tốc Việt Nam. Nhìn lại 20 năm, Việt Nam mới hoàn thành hơn 1.100 km cao tốc, nên có người ví von xây dựng cao tốc thời kỳ trước như cỗ xe cần bứt tốc, nhưng không thể “bốc” lên được. Đầu năm 2022, đất nước gặp chồng chất khó khăn thời hậu đại dịch Covid-19, những tưởng công cuộc đầu tư cao tốc sẽ giảm tốc, nhưng quyết sách đã được Đảng và Chính phủ hoạch định, việc thực thi được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ đang mang luồng sinh khí mới đến muôn nơi.

Đơn cử, Nghị quyết số 44/2022/QH15 (ngày 11/1/2022) của Quốc hội và Nghị quyết số 18/NQ-CP (ngày 11/2/2022) của Chính phủ giống như chất xúc tác giúp quá trình triển khai đầu tư cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021- 2025 đạt bước tiến đột phá và chính thức được khởi công sau quá trình chuẩn bị thần tốc. Hàng loạt quyết sách khác của Quốc hội, Chính phủ như Nghị quyết số 59/2022/QH15 (ngày 16/6/2022), Nghị quyết số 90/NQ-CP (ngày 25/7/2022) về cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Nghị quyết số 60/2022/QH15 (ngày 16/6/2022), Nghị quyết số 91/NQ-CP (ngày 25/7/2022) về cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - An Giang… đặt nền tảng cho các dự án cao tốc từ Bắc chí Nam lên bệ phóng mới, tăng tốc. Hai điểm đột phá trong tư duy chính sách là đẩy mạnh phân cấp và cơ chế đặc thù chỉ định thầu.

Cụ thể, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 được phân cấp cho các ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải, loạt cao tốc khác phân cấp cho UBND các tỉnh làm đơn vị chủ quản. Cùng với đó, trong quá trình triển khai, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cơ chế chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, xây lắp. Hai điểm đột phá này đến từ cách tư duy mới, cách làm mới giúp rút ngắn rất nhiều quá trình chuẩn bị đầu tư, tạo ra đột phá trong triển khai các dự án cao tốc.

Bên cạnh các dự án cao tốc sử dụng vốn đầu tư công, bài học đẩy mạnh phân cấp và nguyên lý lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân từ thực tiễn triển khai thành công các dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn, Vân Đồn - Móng Cái đã và đang có hiệu ứng lan tỏa tới các địa phương, các dự án khác như Bắc Giang - Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), Trung Lương - Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang), Đồng Đăng - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), Tân Phú - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng)… Đáng chú ý, thực tiễn mang tới bài học về vai trò, trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của các địa phương nhằm tìm ra cơ chế, công thức khai phóng nguồn lực đầu tư các dự án cao tốc.

Để hiện thực hóa mục tiêu 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030, cần huy động nguồn vốn rất lớn (khoảng 813 nghìn tỷ đồng). Thách thức thấy rõ, song chặng đường đã qua gợi mở ra lối đi mới, bắt nguồn từ tư duy mới, cách làm mới cộng với quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, thì việc khó đến mấy cũng thành công.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần chỉ đạo với tinh thần quyết tâm “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, đổi mới tư duy trong phân bổ nguồn lực, lựa chọn công trình có tính lan tỏa cao và xây dựng được cơ chế thu hút vốn đầu tư tư nhân có tính đột phá chính là chìa khóa giúp sớm nối thông cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025 và đưa các dự án cao tốc khác đi vào khai thác, từng bước hiện thực hóa khát vọng 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 như mục tiêu đề ra.

Cao tốc ngày một vươn xa, những nẻo đường xuân mới sẽ dài rộng hơn, đẹp đẽ hơn, đưa đất nước tiến đến đích hùng cường, dân tộc Việt Nam đến bến bờ hạnh phúc và thịnh vượng.

Chuyên đề