Tạo vốn cho phương án di dời nhà ven kênh rạch

(BĐT) - Khoảng 2.000 căn nhà trên và ven kênh rạch ở TP.HCM sẽ được di dời trong năm 2016 theo kế hoạch “Chỉnh trang và phát triển đô thị” giai đoạn 2016 - 2020. Với nguồn kinh phí hạn chế, liệu phương án tái định cư sau di dời có khả thi?
TP.HCM dự kiến di dời 17.000 hộ ven kênh rạch trong giai đoạn 2016 – 2020. Ảnh: Nhã Chi
TP.HCM dự kiến di dời 17.000 hộ ven kênh rạch trong giai đoạn 2016 – 2020. Ảnh: Nhã Chi

Đấu giá nhà, đất tạo vốn tái định cư?

Mới đây, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn cho biết, khoảng 2.000 hộ dân sinh sống trên và ven kênh, rạch (đa phần là hộ nghèo) sẽ được di dời trong năm 2016. Nếu tính chung trong giai đoạn 2016 - 2020, số hộ trên và ven kênh rạch trọng điểm ở TP.HCM sẽ di dời có thể lên đến 17.000 hộ. Dự trù của Sở Xây dựng để di dời là hơn 12.000 tỷ đồng.

Nhưng việc thu xếp vốn lại không hề đơn giản vì chương trình này chủ yếu thực hiện từ vốn ngân sách, trong khi Thành phố phải tập trung cho các dự án giao thông lớn cấp bách hơn. Ngay cả việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách cũng khá nan giải, do chính sách ưu đãi chưa cao nên giới đầu tư tư nhân thiếu mặn mà.

Chỉ trong vòng 2 năm, trong tổng số gần 2.500 căn hộ tái định cư các doanh nghiệp đăng ký xây dựng đã có hơn 1.300 căn hộ hoàn thành. 

Có ý kiến cho rằng, TP.HCM cần bán quỹ nhà tái định cư và cân đối quỹ đất chưa có nhu cầu sử dụng trên địa bàn Thành phố nhằm tạo nguồn kinh phí cho công tác di dời. UBND TP.HCM từng giao Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện và đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra quỹ nhà, đất tái định cư hiện có, xác định số căn hộ và nền đất dôi dư chưa có nhu cầu bố trí có thể đề xuất bán để tạo nguồn vốn giải phóng mặt bằng.

 Trước đó, hồi tháng 7/2015, Sở Xây dựng TP.HCM từng đề xuất bán đấu giá khoảng 8.300 căn hộ và nền đất để có vốn phục vụ di dời nhà ven kênh giai đoạn 2016 - 2020. Đối với nguồn vốn phục vụ công tác tái định cư hậu di dời, Sở này đề xuất thực hiện đa dạng các nguồn vốn, trong đó khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng quỹ nhà.

Ngoài ra, một giải pháp cũng được Thành phố nghiên cứu là đấu giá quỹ đất công để tái đầu tư xây dựng quỹ nhà tái định cư, đồng thời mời gọi các doanh nghiệp tham gia xây dựng quỹ nhà ở sau đó bán lại cho Thành phố để phục vụ công tác hậu di dời.

Cần “sáng tạo” nguồn vốn

Nhân kế hoạch di dời 2.000 căn nhà trên và ven kênh rạch này, trong góc độ thu hút doanh nghiệp đầu tư, GS. TS. KTS. Nguyễn Trọng Hoà (chuyên viên cao cấp, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho rằng, có thể tham khảo lại công tác “thu xếp vốn” cho việc cải tạo, chỉnh trang, di dời nhà trên và kênh rạch ở Dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước đây.

Ở Dự án này, Thành phố đã có cách làm sáng tạo khi quyết định sử dụng tiền bán hoá giá quỹ nhà do Nhà nước quản lý để vừa ổn định nhà ở cho người đang thuê ở, vừa có tiền xây nhà tái định cư cho các hộ dân bị giải toả trên và ven kênh rạch.

Theo GS. TS. KTS. Nguyễn Trọng Hoà, nhờ sự sáng tạo đó nên bình quân mỗi năm TP.HCM thu trên 500 tỷ đồng tiền bán hoá giá và UBND Thành phố đã kiến nghị Chính phủ cho mượn 100 tỷ đồng quỹ hoá giá để tạm ứng cho các đơn vị đầu tư xây dựng nhà ở đang gặp khó khăn về vốn nhằm tạo một quỹ nhà định cư ban đầu cho quay vòng.

Vì vậy, doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà tái định cư cho chương trình kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt. Người tái định cư được mua nhà trả góp 10 năm theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tuy kinh phí xây nhà tái định cư vẫn chưa đủ để đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng nhưng một số doanh nghiệp lúc ấy đã hưởng ứng tích cực, bỏ vốn xây dựng nhà theo dạng chìa khoá trao tay (ứng vốn thi công). Chỉ trong vòng 2 năm, trong tổng số gần 2.500 căn hộ tái định cư các doanh nghiệp đăng ký xây dựng đã có hơn 1.300 căn hộ hoàn thành.

Từ kết quả thành công của dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Thành phố đã chú trọng đến các dự án chỉnh trang và nâng cấp đô thị (triển khai từ năm 2001) với sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới (WB), nhất là tại lưu vực kênh Tân Hoá - Lò Gốm. Riêng trong hạng mục xây nhà ở tái định cư đã hoàn thành 45 lô chung cư, đã bố trí tái định cư cho 438 căn hộ và 171 nền nhà cho các hộ tái định cư trên địa bàn Thành phố.

Ông Nguyễn Trọng Hoà cho rằng, vấn đề rút ra ở đây là cần sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan hữu quan (định kỳ làm việc với WB). Hơn nữa, cần có chính sách ưu tiên cho dự án để tháo gỡ vướng mắc kịp thời. Cụ thể như linh hoạt trong việc thay đổi thiết kế cho phù hợp, chia nhỏ các gói thầu trên địa bàn, tạo điều kiện thanh toán nhanh cho các nhà thầu cũng như góp phần đẩy nhanh tiến độ thành công của dự án.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư