Tăng thù lao dịch vụ, các tổ chức đấu giá tài sản nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khung thù lao tối đa đối với hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản (ĐGTS) vừa được Bộ Tài chính điều chỉnh từ mức 300 triệu đồng lên 400 triệu đồng. Theo một số tổ chức ĐGTS, việc điều chỉnh tăng thù lao dịch vụ ĐGST, trong đó quan trọng nhất là tăng tỷ lệ phần trăm mức bán vượt sẽ khuyến khích các tổ chức ĐGTS, góp phần hạn chế tiêu cực.
Việc tăng tỷ lệ phần trăm thù lao trên phần chênh lệch giữa giá trúng đấu giá với giá khởi điểm sẽ khuyến khích các tổ chức đấu giá tài sản. Ảnh: St
Việc tăng tỷ lệ phần trăm thù lao trên phần chênh lệch giữa giá trúng đấu giá với giá khởi điểm sẽ khuyến khích các tổ chức đấu giá tài sản. Ảnh: St

Sau gần 3 năm được ban hành, Thông tư 45/2017/TT-BTC quy định khung thù lao dịch vụ ĐGTS đã bộc lộ nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh tiêu cực, dẫn tới thất thoát tài sản nhà nước.

Theo thông tư này, tỷ lệ phần trăm thưởng chênh lệch vượt giá trị giữa giá trúng đấu giá với giá khởi điểm đối với tài sản (không phải là quyền sử dụng đất) có giá khởi điểm trên 50 triệu đồng quy định tại Thông tư 45 dao động từ 1% - 5% trên phần chênh lệch. Đối với tài sản có giá khởi điểm dưới 50 triệu đồng tối đa là 8% giá trị bán được. Đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất, tỷ lệ phần trăm thưởng chênh lệch giá trị giữa giá trúng đấu giá với giá khởi điểm được quy định tối đa là 1% trên phần chênh lệch.

Nhiều tổ chức ĐGTS cho rằng, mức thưởng này quá thấp, không đáp ứng kỳ vọng của tổ chức ĐGTS khi chi phí cố định quy định kèm theo cũng không cao. Thưởng bán vượt giá khởi điểm thấp không khuyến khích được đơn vị có tài sản mang tài sản ra đấu giá công khai, mà có thể dẫn đến hành vi lách luật làm giá khởi điểm thật thấp rồi liên kết với tổ chức bán đấu giá hoàn thiện thủ tục để trục lợi.

Ngày 4/2/2021, Thông tư số 108/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2017/TT-BTC quy định khung thù lao dịch vụ ĐGTS theo quy định tại Luật ĐGTS sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, mức thù lao tối đa hợp đồng dịch vụ ĐGTS được điều chỉnh từ không vượt quá 300 triệu đồng/hợp đồng thành không vượt quá 400 triệu đồng/hợp đồng.

Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty CP Bán đấu giá Lạc Việt cho rằng, đối với hoạt động bán đấu giá quyền sử dụng đất, giá khởi điểm thường đã rất sát với giá thị trường nên khả năng bán vượt giá khởi điểm nhiều là rất ít. Do đó, việc tăng mức thù lao tối đa không vượt quá 400 triệu đồng/hợp đồng, tức là tăng 100 triệu đồng so với trước đây là hoàn toàn phù hợp với công sức thực hiện. Ngoài ra, tổ chức ĐGTS còn được thanh toán chi phí hợp lý, hợp lệ mà người có tài sản đấu giá chi trả, là quy định phù hợp với thực tế triển khai hoạt động đấu giá.

Thông tư số 108/2020/TT-BTC cũng điều chỉnh tỷ lệ phần trăm thù lao trên phần chênh lệch giữa giá trị tài sản theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật ĐGTS (trừ tài sản là quyền sử dụng đất).

Theo ông Lê Anh Linh, đấu giá viên Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam, Thông tư số 108/2020/TT-BTC phân chia cụ thể 11 mức giá trị tài sản (Thông tư số 45/2017/TT-BTC là 9 mức giá trị tài sản). Tỷ lệ phần trăm thưởng chênh lệch giữa giá trúng đấu giá với giá khởi điểm đối với tài sản (không phải là quyền sử dụng đất) có giá khởi điểm trên 50 triệu đồng được sửa đổi thành mức 1 - 7% trên phần chênh lệch. Đây là mức thưởng rất đáng khích lệ đối với các tổ chức ĐGTS, góp phần hạn chế tiêu cực trong ĐGTS.

Ông Linh bày tỏ, một trong những tiêu chí để đánh giá tổ chức ĐGTS hoạt động kinh doanh hiệu quả, công khai, minh bạch chính là có nhiều hợp đồng ĐGTS có giá trúng đấu giá vượt cao so với giá khởi điểm. Tổ chức ĐGTS được hưởng thù lao chính đáng khi bán vượt giá khởi điểm thì sẽ hạn chế tình trạng tiêu cực, thông đồng trong quá trình bán ĐGTS.

Thông tư cũng nêu rõ, người có tài sản chịu trách nhiệm về việc quyết định mức thù lao cụ thể dịch vụ ĐGTS, đảm bảo thù lao dịch vụ ĐGTS trong khung do Bộ Tài chính quy định tại thông tư này và không cao hơn mức tối đa tương ứng với khung giá trị tài sản theo giá khởi điểm quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II kèm theo thông tư này.

Đối với các hợp đồng dịch vụ ĐGTS đã được ký kết trước ngày Thông tư số 108/2020/TT-BTC có hiệu lực, thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 45/2017/TT-BTC cho đến khi kết thúc hợp đồng.

Chuyên đề