Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (Chủ tịch HĐQT Hệ thống Công ty Secoin) |
Vật liệu xây dựng và trang trí nội ngoại thất chiếm tới 70 - 80% giá thành của công trình xây dựng, nên khi giá vật liệu xây dựng có biến động khiến cho chi phí xây dựng cũng tăng lên 5 - 7%. Giá thép bắt đầu biến động mạnh, tăng liên tục từ quý IV/2020 đến nay, từ 11 - 11,5 triệu đồng/tấn tăng lên 17,5 - 18 triệu đồng/tấn, tăng 50 - 70%; xi măng tăng 70.000 - 100.000 đồng/tấn…
Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí đầu vào tăng. Giá than nhập khẩu tăng từ 70 USD/tấn lên 250 USD/tấn; ga, khí đốt, các loại men… tăng 5 - 10%, chưa kể chi phí vận tải, logistics, xăng dầu… đều tăng, trong khi sản xuất bị đình đốn, tiêu thụ chậm, hàng hóa ứ đọng. Do đó, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng đã phải điều chỉnh giá lên tối thiểu là 5% để giảm bớt thua lỗ.
Tình hình giá cả trong năm 2022 có ổn định được hay không, còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong khi diễn biến dịch bệnh ở trong và ngoài nước vẫn còn nhiều phức tạp, khó lường.
Để khắc phục khó khăn, giảm bớt chi phí, giá thành sản xuất, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng nên tập trung vào lĩnh vực có thế mạnh, tránh đầu tư tràn lan. Các doanh nghiệp trong hệ sinh thái các ngành xây dựng cần hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, tận dụng phế thải của ngành này làm đầu vào của các ngành khác, hạn chế sử dụng nguyên liệu hóa thạch, tăng cường phát triển sản phẩm xanh, tái chế, sử dụng năng lượng tái tạo. Điều này không chỉ góp phần làm giảm chi phí mà còn phù hợp với xu thế hiện nay trên thế giới.