Tăng cường độ cải cách môi trường kinh doanh

(BĐT) - Dự thảo Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP (NQ19-2018) về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến. 
Đẩy mạnh phát triển ngành du lịch và logistics sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ảnh: Lê Tiên
Đẩy mạnh phát triển ngành du lịch và logistics sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ảnh: Lê Tiên

Dự thảo đặt ra yêu cầu trọng tâm là quyết liệt cải cách một cách toàn diện nhằm đạt các mục tiêu đặt ra.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam liên tục được cải thiện. Năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc; môi trường kinh doanh tăng 14 bậc; đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc. Đó là những thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay. Ngoài ra, năm 2017, Moondy’s, Standards and Poor’s và Fitch cũng đã tăng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Mặc dù có cải thiện về môi trường kinh doanh nhưng năng lực cạnh tranh vẫn chưa bền vững, chưa đạt mục tiêu đề ra. Thứ hạng của nhiều chỉ số còn thấp khá xa so với các nước trong khu vực, hầu như không có cải thiện cả về điểm số và thứ hạng trong nhiều năm qua, một số chỉ số quan trọng khác thậm chí còn tụt hạng.  Năm qua, các bộ, ngành và địa phương tích cực và quyết liệt hơn trong thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng chưa đồng đều cả về tính chủ động, tính quyết liệt và kết quả đạt được.

Để đạt được mục tiêu bằng mức trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, chúng ta phải có nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực. Theo đó, Dự thảo NQ19-2018 tiếp tục chú trọng thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, về cơ bản, Dự thảo NQ19-2018 vẫn tiếp tục bám sát các tiêu chí đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), về năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới, về năng lực đổi mới sáng tạo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, về chính phủ điện tử của Liên hợp quốc. Kiên định các mục tiêu đã đề ra, đến năm 2020, chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam ngang hàng với trung bình các nước ASEAN 4.

Nghị quyết đặt mục tiêu, năm 2018, chỉ số môi trường kinh doanh tăng thêm từ 8 - 18 bậc trên bảng xếp hạng của WB. Trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp như: Khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; Cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng thêm 10 bậc; chỉ số phá sản doanh nghiệp thêm 10 bậc; hoàn thành việc bãi bỏ ít nhất 1/3 - 1/2 số quy định hiện có về điều kiện kinh doanh... 

Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics và du lịch

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, một trong những điểm mới đáng chú ý tại của Dự thảo NQ19-2018 là mở rộng thêm một số lĩnh vực và ngành, lĩnh vực cần đẩy mạnh các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó có 2 ngành là du lịch và logistics.

Dự thảo NQ19-2018 đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch, để du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logistics để tạo thuận lợi và giảm chi phí kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế. Theo đó, cải thiện năng lực cạnh tranh ngành du lịch thêm  khoảng 10 bậc (hiện ở thứ hạng 67); từng bước giảm chi phí logistics trong nền kinh tế xuống mức bằng khoảng 18% GDP (hiện hơn 20% GDP) và cải thiện chỉ số hiệu quả logistics thêm khoảng 10 bậc (hiện xếp thứ 64).

Bà Thảo cho biết, ngành du lịch có lợi thế cạnh tranh, có cảnh quan, có văn hóa đặc thù... Điều này cũng phù hợp với định hướng của Chính phủ muốn phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, bởi khi tái cơ cấu sẽ giúp cho tăng trưởng và năng suất lao động tăng thêm. Còn logistics là ngành Việt Nam đang ở thế bất lợi về cạnh tranh so với các nước trong khu vực và thế giới.

Tháo gỡ những điểm nghẽn của hai ngành trên, Dự thảo đưa ra nhiều giải pháp cụ thể.

Đối với ngành logistics, Dự thảo NQ19-2018 đề xuất, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp thiết thực, giảm chi phí logistics; phát triển kết cấu hạ tầng và hỗ trợ doanh nghiệp logistics. Trong đó, Bộ sẽ rà soát, giảm chi phí cầu đường, nhất là phí BOT; chuyển vị trí các trạm BOT có vị trí không phù hợp; thực hiện thu phí BOT tự động không dừng; phát triển sàn giao dịch logistics nhằm tối ưu hóa vận tải hai chiều hàng hóa, container...

Đối với ngành du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo; tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; thực hiện đấu thầu xây dựng, sử dụng và phát triển tài nguyên du lịch theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).      

Chuyên đề