Tận dụng tốt các cơ hội tăng tốc phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thách thức của năm 2022 là rất lớn, nhưng cơ hội cũng không nhỏ để tăng trưởng cao và cao hơn nữa. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, nếu chúng ta làm tốt cơ cấu lại nền kinh tế, khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư; thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… chắc chắn sẽ đạt tăng trưởng cao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu tiếp tục tập trung khơi thông các điểm nghẽn về thể chế nhằm giải phóng nguồn lực của đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu tiếp tục tập trung khơi thông các điểm nghẽn về thể chế nhằm giải phóng nguồn lực của đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên

Ngày 10/2/2022, Bộ KH&ĐT đã tổ chức Hội nghị giao ban triển khai các chương trình, đề án, nhiệm vụ trọng tâm cần hoàn thành trong thời gian tới.

Theo Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT, năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội; các kế hoạch 5 năm về đầu tư công, cơ cấu lại nền kinh tế... nhưng đất nước gặp rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ dịch bệnh Covid-19. Hệ quả và những ảnh hưởng từ áp dụng biện pháp phòng, chống dịch tác động sâu rộng, toàn diện tới tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược, Bộ KH&ĐT đã chủ động nghiên cứu, dự báo tình hình, xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế, kịp thời đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, tranh thủ thời cơ phục hồi và phát triển nền kinh tế. Nhiều nhiệm vụ khó, lớn, chưa từng có tiền lệ đã được Bộ KH&ĐT chủ động thực hiện, hoàn thành, bảo đảm tiến độ và chất lượng với một số điểm nổi bật. Đặc biệt, Bộ KH&ĐT đã tham mưu nhiều giải pháp mạnh, có trọng tâm, trọng điểm nhưng linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Sáng 10/2/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm, động viên đội ngũ cán bộ, người lao động Bộ KH&ĐT nhân dịp đầu xuân Nhâm Dần. Thủ tướng nhấn mạnh, trong thành tích chung của đất nước có đóng góp quan trọng của Bộ KH&ĐT.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá, với vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp, Bộ đã thực hiện khối lượng công việc lớn, các nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19; chủ trì soạn thảo văn kiện và cụ thể hóa Chương trình hành động để thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chủ trì xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và đã được các cấp thẩm quyền ban hành... Lòng tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư của Việt Nam được củng cố, tăng cường lên nhiều và điều này có đóng góp quan trọng của Bộ KH&ĐT. Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến những khó khăn, thách thức lớn trong năm 2022, rất nhiều nhiệm vụ nặng nề phía trước để tận dụng thời cơ, hóa giải thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững và Bộ KH&ĐT cần tiếp tục phát huy vai trò tham mưu chính sách trong thực hiện các nhiệm vụ này.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2022, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-BKHĐT ngày 10/1/2022 để quán triệt tổ chức khẩn trương triển khai thực hiện với phương châm hành động là “Phục hồi hiệu quả, phát triển bền vững”.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, tiếp tục ưu tiên tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ cần triển khai ngay, như thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch; thu hút đầu tư nước ngoài; đổi mới sáng tạo; vấn đề thể chế, làm sao để khơi thông các điểm nghẽn giải phóng nguồn lực của đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và đầu tư công; cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế… Các nhiệm vụ trong dài hạn là hiện thực hóa các mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; tận dụng cơ hội dân số vàng; gắn kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài…

“Tại sao tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng, tại sao năng suất chưa cao, tái cơ cấu còn chậm, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa đạt yêu cầu, khoa học công nghiệp chưa tương xứng, đáp ứng kỳ vọng? Những câu hỏi này luôn thường trực đối với người làm công tác kế hoạch, nghiên cứu, tham mưu tổng hợp chiến lược, để tham mưu cho được, giúp Đảng, Nhà nước, Chính phủ giải những bài toán này, như thế mới xứng đáng với vai trò, vị trí của Bộ KH&ĐT”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chuyên đề