Kinh tế khởi sắc, kỳ vọng phục hồi nhanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tiếp đà bứt tốc của quý cuối năm 2021, kinh tế tháng đầu tiên của năm 2022 có nhiều khởi sắc, là tín hiệu tích cực, tạo khí thế cho nền kinh tế tiếp tục phục hồi, phát triển nhanh. Có niềm tin cho sự phục hồi này, nhìn từ kết quả thực tế và kỳ vọng từ rất nhiều giải pháp được ban hành liên tiếp trong tháng đầu tiên của năm, đặc biệt là giải pháp chưa từng có tiền lệ từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Tháng 1/2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Lê Tiên
Tháng 1/2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Lê Tiên

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), những hành động quyết liệt, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có tác động ngay tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng đầu tiên của năm 2022 với nhiều kết quả khởi sắc, tiếp tục quỹ đạo phục hồi.

Các số liệu kinh tế tháng 1/2022 được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi tích cực. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng khá cao ở tất cả các lĩnh vực hoạt động, là tín hiệu khả quan cho phát triển doanh nghiệp trong năm 2022. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tăng 8,6%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021…

Bộ KH&ĐT đánh giá đây là thành quả của việc chuyển đổi phương thức phòng, chống dịch theo hướng "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả" và tiêm chủng vaccine thần tốc, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế - xã hội được tổ chức trở lại. Bên cạnh đó, việc sớm ban hành và triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ đã tạo ra động lực mới cho các cấp, các ngành, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Đặc biệt, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình được ban hành ngày 30/1/2022 đang được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng phục hồi kinh tế là gói hỗ trợ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt coi trọng với nhiều giải pháp để phục hồi kinh tế sau 2 năm dịch bệnh Covid-19.

Nghị quyết 11 đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp đồng bộ, gồm: mở cửa nền kinh tế gắn với nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tập trung nguồn lực đầu tư công để hoàn thành dứt điểm tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; tiếp tục cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính - đây là nhóm giải pháp rất quan trọng trong lúc mở cửa đón các nhà đầu tư quay trở lại.

Nghị quyết giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phối hợp chặt chẽ với nhau. Đồng thời, có các cơ quan giám sát như Mặt trận Tổ quốc, Kiểm toán Nhà nước… để bảo đảm chương trình triển khai minh bạch; giao Bộ KH&ĐT làm đầu mối đôn đốc các bộ, ngành triển khai các giải pháp, kịp thời báo cáo Quốc hội năm 2022, 2023 và tổng kết vào cuối năm 2024.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, để bảo đảm hiệu quả chính sách, cần triển khai ngay gói hỗ trợ và giải ngân trong 2 năm 2022 - 2023, với những nhiệm vụ đưa ra cho các bộ, ngành. Hiện nay, một số nhiệm vụ các bộ, ngành đã chủ động thực hiện như chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành.

Chuyên đề