Sửa đổi, bổ sung Nghị định định số 62/2017/NĐ-CP: Hoàn thiện quy định về đấu giá trực tuyến

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tư pháp hiện đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản. Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung sẽ hướng tới việc quy định đầy đủ, thống nhất, đồng bộ hình thức đấu giá trực tuyến để thúc đẩy hơn nữa việc sử dụng hình thức này trong hoạt động đấu giá tài sản.
Sửa đổi, bổ sung Nghị định định số 62/2017/NĐ-CP: Hoàn thiện quy định về đấu giá trực tuyến

Ngày 11/8, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định định số 62/2017/NĐ-CP (Dự thảo Nghị định).

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2019, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức 86.607 cuộc đấu giá thành công với tổng giá khởi điểm gần 195 tỷ đồng, tổng giá trị bán thành công là hơn 233 tỷ đồng. Trong 2 năm tiếp theo (2020 - 2021), các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức 67.955 cuộc đấu giá, trong đó có 53.688 cuộc đấu giá thành công (chiếm 79%).

Bộ Tư pháp cho biết, kể từ khi Luật Đấu giá tài sản ra đời, hoạt động đấu giá tài sản đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, Luật Đấu giá tài sản và Nghị định số 62/2017/NĐ-CP lần đầu tiên quy định một hình thức đấu giá mới, hiện đại và thông dụng trên thế giới - đấu giá trực tuyến. Trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hình thức đấu giá này đã được sử dụng rộng rãi tại một số địa phương, nhờ đó việc xử lý tài sản của các cơ quan, tổ chức đúng kế hoạch, góp phần hạn chế tình trạng thông đồng, dìm giá, quân xanh - quân đỏ, xã hội đen, đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Song, hình thức đấu giá trực tuyến tại Nghị định số 62/2017/NĐ-CP còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế, chưa đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức thực hiện. Cụ thể, việc thực hiện đấu giá trực tuyến hiện chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ việc đấu giá hoàn toàn trên môi trường internet; chưa có trang điện tử đấu giá trực tuyến thống nhất để thúc đẩy triển khai áp dụng rộng rãi hình thức đấu giá này trên phạm vi toàn quốc, nhất là khi thực hiện bán đấu giá tài sản công, tài sản là quyền sử dụng đất có giá trị lớn.

Theo định hướng ban đầu, một số nội dung được sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Nghị định đưa ra lấy ý kiến gồm: bổ sung chủ thể Bộ Tư pháp là cơ quan xây dựng, vận hành và quản lý Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến thống nhất trên phạm vi cả nước (được tích hợp vào Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá trực tuyến hiện nay). Ngoài ra, bổ sung quy định các tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng được xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến. Dự thảo cũng bổ sung khoản mới quy định về chi phí đăng thông báo công khai việc đấu giá tài sản trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản hiện nay.

Dự thảo Nghị định định hướng quy định cụ thể trình tự, thủ tục đấu giá bằng hình thức trực tuyến, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trên môi trường internet. Theo đó, toàn bộ quy trình tổ chức đấu giá từ niêm yết, thông báo công khai, việc tổ chức bán, nộp hồ sơ, nộp tiền đặt trước đến việc tổ chức cuộc đấu giá, lập biên bản đấu giá đều được thực hiện trên môi trường internet thay vì một số công đoạn đang được thực hiện trực tiếp và một số công đoạn đang được thực hiện trực tuyến như quy định hiện hành.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/NĐ-CP nhằm xử lý các vướng mắc phát sinh trong hoạt động đấu giá tài sản nói chung, tập trung vào hình thức bán đấu giá tài sản trực tuyến để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đấu giá tài sản, kiểm soát chặt chẽ việc bán đấu giá tài sản công, tài sản thi hành án, tránh thất thu ngân sách, hạn chế tiêu cực trong đấu giá thời gian qua.

Do vậy, Thứ trưởng đề nghị, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập góp ý thêm về phạm vi sửa đổi ngoài đấu giá trực tuyến thì sửa thêm những nội dung khác để kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động đấu giá tài sản cũng như xử lý các khó khăn vướng mắc thời gian qua. Làm rõ hơn các nội dung sửa đổi các quy định về đấu giá trực tuyến…

Một số vấn đề quan trọng cũng được Thứ trưởng Phan Chí Hiếu gợi mở thảo luận như: Mô hình đấu giá trực tuyến thời gian tới nên được định hình theo hướng tập trung hay phi tập trung; nếu lựa chọn theo hướng phi tập trung, để từng tổ chức đấu giá tài sản vận hành riêng website của mình (song song cùng với trang điện tử đấu giá trực tuyến thống nhất do cơ quan quản lý nhà nước là đầu mối vận hành) thì có biện pháp kiểm soát gì… Hay lựa chọn định hướng tập trung theo một trang điện tử đấu giá trực tuyến duy nhất thì lộ trình triển khai thực hiện, xử lý chuyển tiếp đối với các tổ chức đấu giá tài sản đã có trang đấu giá trực tuyến và nhiều vấn đề khác trong vận hành mô hình này ra sao...

Theo kế hoạch, Dự thảo Nghị định sẽ được áp dụng trình tự thủ tục rút gọn để sửa đổi, bổ sung. Bộ Tư pháp cũng sẽ tổ chức lấy ý kiến đối với một số đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới Dự thảo Nghị định trước khi gửi trình thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ.

Chuyên đề