Số phận loạt bất động sản bị kê biên của nữ đại gia Phú Yên

0:00 / 0:00
0:00
Đơn vị đấu giá nhiều lần hạ giá rao bán các tài sản thế chấp vay vốn của công ty Thuận Thảo để xử lý nợ nhưng vẫn không có người mua. Doanh nghiệp hiện lỗ lũy kế gần 1.500 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính soát xét của Công ty Cổ phần Thuận Thảo cho biết doanh nghiệp có trụ sở ở Phú Yên chỉ đạt doanh thu vỏn vẹn 3 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm. Hoạt động kinh doanh du lịch, khách sạn, nhà hàng đem về cho Thuận Thảo 2 tỷ đồng, còn doanh thu thương mại hơn 1 tỷ đồng.

Cùng kỳ năm trước, tổng doanh thu của Thuận Thảo đạt 12 tỷ đồng. Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 lên ngành du lịch, khách sạn, doanh nghiệp Phú Yên giảm tới 75% doanh thu so với 6 tháng đầu năm 2019.

Thuận Thảo là thương hiệu nổi tiếng một thời trong lĩnh vực vận tải ở khu vực phía Nam nhưng bắt đầu rơi vào khó khăn từ khi lấn sân sang lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thuận Thảo là bà Võ Thị Thanh.

Nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Với doanh thu quá thấp, Thuận Thảo chỉ có lợi nhuận gộp 600 triệu đồng sau 6 tháng. Trong khi đó, chi phí lãi vay lên tới 50 tỷ đồng, tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp 22 tỷ đồng. Doanh nghiệp của bà Võ Thị Thanh nỗ lực tiết giảm chi phí so với cùng kỳ nhưng tổng chi phí hoạt động vẫn gấp nhiều lần doanh thu.

Điểm sáng hiếm hoi của Thuận Thảo trong kỳ là khoản thu 20 tỷ đồng từ hoạt động thanh lý tài sản cố định. Nhờ nguồn thu này, lỗ sau thuế bán niên của Thuận Thảo còn 53 tỷ đồng, thấp hơn 29 tỷ so với mức thua lỗ của cùng kỳ 2019.

Tại thời điểm ngày 30/6, lỗ lũy kế của Thuận Thảo lên tới 1.488 tỷ. Vốn chủ sở hữu theo đó âm 1.041 tỷ đồng. Cùng với đó, tình hình tài chính của doanh nghiệp mất cân đối trầm trọng khi nợ ngắn hạn hơn 1.660 tỷ nhưng tài sản ngắn hạn chỉ vỏn vẹn 11 tỷ đồng.

Cùng với đó, Thuận Thảo có các khoản vay đến hạn và lãi vay chưa thanh toán với tổng số tiền 1.461 tỷ đồng; khoản phải thu quá hạn thanh toán 454 tỷ đồng chưa thu hồi; các khoản thuế và lãi phạt chậm nộp thuế 156 tỷ đồng.

Kiểm toán viên nhấn mạnh thực trạng trên có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Thuận Thảo.

Giải trình vấn đề này, ban lãnh đạo Thuận Thảo cho biết sẽ thanh lý, chuyển nhượng tài sản của các dự án, bán một hoặc một số lĩnh vực kinh doanh để giảm nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ cá nhân. Công ty đồng thời xử lý các tài sản thế chấp vay vốn tại ngân hàng theo đúng quy định để có nguồn vốn tái cấu trúc, đầu tư sửa chữa, nâng cấp các lĩnh vực còn lại, tạo sự ổn định.

Thuận Thảo cũng tập trung thu hồi các công nợ để có vốn đầu tư, ưu tiên thực hiện nghĩa vụ về thuế và các chính sách lương, bảo hiểm cho người lao động. Công ty đang tìm nhà đầu tư, liên doanh - liên kết để huy động nguồn vốn hợp tác kinh doanh.

Những biện pháp trên theo ban lãnh đạo Thuận Thảo có thể giúp doanh nghiệp kiểm soát, cải thiện rủi ro về thanh khoản.

Resort Thuận Thảo tìm được chủ mới

Đến cuối tháng 6, nợ vay của Thuận Thảo gần 660 tỷ đồng. Trong đó, riêng các khoản vay tại ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Tài lên tới 625 tỷ đồng. Hiện các khoản vay này đều quá hạn thanh toán.

Khách sạn 5 sao Cendeluxe cao nhất Phú Yên. Ảnh: GTT.

Khách sạn 5 sao Cendeluxe cao nhất Phú Yên. Ảnh: GTT.

Nhóm tài sản thế chấp cho tại BIDV của Thuận Thảo gồm khách sạn 5 sao Cendeluxe 17 tầng, trung tâm giải trí và sinh thái Thuận Thảo. Những tài sản này bị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên kê biên, đấu giá để xử lý nợ hơn 2 năm qua.

Báo cáo tài chính soát xét của Thuận Thảo cho hay trong quý II, khu resort Thuận Thảo đã được đấu giá thành công, thu về 42 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí thi hành án và tiền thuê đất, số tiền còn lại 41 tỷ dùng để chuyển cho BIDV trừ nợ. Những tài sản còn lại bao gồm khách sạn Cendeluxe cao nhất Phú Yên tiếp tục được xử lý để trả nợ ngân hàng.

Cuối tháng 7, công ty đấu giá lại rao bán khách sạn 5 sao Cendeluxe cùng trung tâm hội nghị, triển lãm và dịch vụ du lịch Thuận Thảo với giá khởi điểm mới 295 tỷ đồng. Bên bán phải liên tục hạ giá khi những bất động sản bị kê biên của Thuận Thảo không có người mua.

Ban lãnh đạo Thuận Thảo thừa nhận khách sạn 5 sao Cendeluxe có tiêu chuẩn quá tầm so với thị trường địa phương còn việc đầu tư khu du lịch sinh thái dàn trải, dịch vụ trùng lắp, cơ sở hạ tầng xuống cấp ảnh hưởng chất lượng dịch vụ. Yếu tố khách quan theo công ty là lượng khách ngoại tỉnh hạn chế do sản phẩm du lịch của Phú Yên không đa dạng.

Tại thời điểm ngày 30/6, Thuận Thảo còn có dư nợ nay 5 tỷ đồng của ngân hàng Vietinbank chi nhánh Phú Yên. Khoản vay này cũng đã quá hạn thanh toán và các tài sản thế chấp gồm tài sản gắn liền với thửa đất 227 QL1A (đường Nguyễn Tất Thành, TP. Tuy Hòa); công trình mở rộng trung tâm hội nghị, triển lãm và dịch vụ du lịch Thuận Thảo; nhà văn hóa dân tộc trong khuôn viên trung tâm sinh thái Thuận Thảo cũng bị kê biên, xử lý để thu hồi nợ.

Chuyên đề