Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì cuộc họp báo thông tin về VIIE2021 và khởi công NIC tổ chức ngày 29/12, tại Hà Nội |
Thông tin về VIIE2021, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, VIIE2021 là triển lãm đầu tiên và duy nhất quy tụ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) do Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
“VIIE2021 nhằm khẳng định vai trò kiến tạo của Chính phủ Việt Nam, trong đó Bộ KH&ĐT là cơ quan tiên phong trong việc huy động các nguồn lực, kết nối các chủ thể của hệ sinh thái ĐMST thúc đẩy tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và ĐMST”, Lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhấn mạnh mục đích của VIIE2021.
Theo đó, Triển lãm nhấn mạnh vai trò trung tâm của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ trong nước và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong hệ sinh thái ĐMST nhằm thể hiện rõ Việt Nam là điểm đến ĐMST của khu vực trong kỷ nguyên mới.
Tại VIIE2021 có hơn 150 gian hàng giới thiệu, trưng bày, trình diễn những giải pháp, ý tưởng, sản phẩm công nghệ ĐMST đến từ các chủ thể của hệ sinh thái ĐMST, nhất là các doanh nghiệp công nghệ quy mô lớn, uy tín trong nước và quốc tế. Điển hình như: Viettel, Vingroup, MoMo, CMC, Samsung, Hyosung, Intel, Dell, Hitachi, Siemens…
“Đặc biệt tại đây có sự xuất hiện của các hợp tác xã, các tổ chức, doanh nghiệp đại diện cho cộng đồng yếu thế với những sản phẩm sáng tạo từng đạt các giải thưởng khác nhau; các cá nhân từ các cơ sở sản xuất của người yếu thế do Bộ KH&ĐT bảo trợ trong khuôn khổ Chương trình Vì sự phát triển cộng đồng”, Thứ trưởng Trần Duy Đông thông tin.
Các sản phẩm, giải pháp công nghệ được giới thiệu tại VIIE2021 tập trung vào các lĩnh vực như: Nhà máy thông minh, đô thị thông minh, công nghệ số, công nghệ môi trường và nông nghiệp…
Trong khuôn khổ sự kiện sẽ diễn ra 5 tọa đàm với các chủ đề: Vai trò của trung tâm ĐMST trong nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; ĐMST trong các doanh nghiệp dẫn đầu, vai trò dẫn dắt hướng đến nền kinh tế số 2030; Người tiêu dùng thông minh trong kỷ nguyên 4.0; Chiến lược chuyển đổi số trong kinh doanh thông minh; Thanh niên - Động lực của ĐMST quốc gia.
Bên lề VIIE2021 cũng có nhiều hoạt động khác như: trình diễn, giới thiệu về giải pháp, sản phẩm, ý tưởng công nghệ ĐMST; ngày hội STEAM dành cho học sinh, sinh viên.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, cùng với khai mạc VIIE2021, trong sáng ngày 9/1, Bộ KH&ĐT sẽ khởi công xây dựng NIC nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Sự kiện đánh dấu nỗ lực của Bộ KH&ĐT trong việc hoàn thiện các thủ tục liên quan để tạo dựng cơ sở vật chất và chuẩn bị các điều kiện để thúc đẩy hoạt động kết nối giữa các chủ thể của hệ sinh thái ĐMST, là dấu mốc quan trọng trong việc hình thành, phát triển của NIC”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Thông tin thêm về NIC, ông Vũ Quốc Huy - Phó giám đốc phụ trách NIC cho biết, cơ sở của NIC tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ là nơi hội tụ của các tổ chức, doanh nghiệp ĐMST trong nước và quốc tế; các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm; nơi đặt văn phòng của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và trên thế giới; nơi làm việc của các chuyên gia, nhà khoa học xuất sắc.
Để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của NIC, trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm ĐMST Quốc gia. Nghị định đã quy định các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất về thủ tục hành chính, tài chính, tín dụng, đất đai, mặt bằng, hạ tầng cho Trung tâm ĐMST Quốc gia, các cá nhân, tổ chức làm việc tại Trung tâm.
Dự kiến, năm 2023, giai đoạn 1 của Dự án sẽ hoàn thành.