Sắp bước sang 2022, loạt thách thức vẫn đeo bám kinh tế toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Thế giới sắp bước sang năm 2022, nhưng những thách thức từ năm 2020 vẫn chưa “buông tha” kinh tế toàn cầu...
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Mặc những thông tin tích cực về tiêm phòng Covid-19, sự phục hồi mạnh mẽ của nhiều nền kinh tế, và tâm lý lạc quan dường như bất tận ở Phố Wall, thế giới vẫn chưa thoát khỏi những ảnh hưởng kinh tế mà đại dịch gây ra.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang gián đoạn ở nhiều nơi. Châu Âu và châu Á rơi vào một cuộc khủng hoảng năng lượng có nguy cơ kéo dài. Nước Mỹ đối mặt với một cuộc khủng hoảng trần nợ chưa được giải quyết triệt để, có khả năng quay trở lại vào tháng 12. Tất cả những yếu tố này đặt nền kinh tế thế giới vào một vị thế khó khăn không dễ gì sớm giải quyết.

“Bấp bênh ở thời điểm này cũng lớn như hồi tháng 3/2020 khi đại dịch mới bắt đầu”, chiến lược gia Mike O’Rourke của Jones Trading nhận định với trang CNN Business. Theo ông O’Rourke, sự khác biệt duy nhất là ở thời điểm này, nhà đầu tư đang hưởng lợi từ dòng tiền rẻ dồi dào cho phép họ chống chọi với những tin tức xấu.

RỐI LOẠN CHUỖI CUNG ỨNG

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang làm tất cả những gì có thể để giải quyết tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Tuần trước, Nhà Trắng công bố một “chiến dịch nước rút 90 ngày” để giải toả sự tắc nghẽn tại các cảng biển ở nước này. Theo đó, cảng Los Angeles sẽ hoạt động theo ca kíp suốt 24/7 và các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân tại cảng sẽ tăng cường làm việc vào ban đêm.

Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ cũng chỉ có thể cố gắng tới như vậy. Lịch làm việc 24/7 là điều mà các cảng biển ở nước này đã phải áp dụng suốt nhiều tháng qua, theo CEO Geoff Freeman của Consumer Brands Associations.

Vấn đề của các cảng biển ở Mỹ không chỉ là tắc nghẽn. Chẳng hạn, tài xế xe tải đang rất thiếu ở khắp nơi. Xe tải cũng thiếu không kém, vì các hãng sản xuất ô tô phải cắt giảm sản lượng xe do khủng hoảng thiếu con chip.

Theo kết quả khảo sát công bố mới đây bởi Đại học Duke, phần lớn các giám đốc tài chính dự báo vấn đề chuỗi cung ứng sẽ kéo dài cho tới năm 2022, thậm chí lâu hơn.

GIÁ CẢ TĂNG VỌT

Nút thắt chuỗi cung ứng đẩy giá cả leo thang. Nhiều chuyên gia kinh tế và quan chức ngân hàng trung ương, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời. Fed đã giữ quan điểm này quá lâu, và người tiêu dùng và nhà đầu tư có vẻ không còn tin vào điều đó.

Trong biên bản cuộc họp tháng 9 của Fed công bố vào tuần trước, Fed nói: “Các quan chức Fed tiếp tục tin rằng sự gia tăng của lạm phát trong năm nay sẽ chỉ là tạm thời”. Cùng ngày, số liệu chính thức của Chính phủ Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 5,4% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu lạm phát mà Fed đề ra là 2%.

Đối với người tiêu dùng Mỹ và ở nhiều quốc gia khác, mối lo lạm phát càng lớn hơn khi mùa đông đang đến gần, mà giá năng lượng lại đang tăng chóng mặt. Theo dự báo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), các hộ gia đình ở Mỹ nên lường trước việc hoá đơn khí propane tăng 54%; dầu sưởi tăng 43%; khí đốt tự nhiên tăng 30%; và tiền điện sưởi tăng 6% trong mùa đông năm nay.

Giá năng lượng thậm chí còn tăng mạnh hơn ở châu Âu. Giá bán buôn điện ở khu vực này đã tăng 200% so với mức bình quân của năm 2019, theo dữ liệu từ Uỷ ban châu Âu (EC). Giá than ở Trung Quốc đang cao kỷ lục và nước này phải cắt điện luân phiên.

KHỦNG HOẢNG TRẦN NỢ MỸ

Dường như không lo nhiều về những gì đang diễn ra trong nền kinh tế, các nghị sỹ Mỹ còn đang tranh cãi về trần nợ quốc gia.

Hôm thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Biden ký một đạo luật đình chỉ tạm thời trần nợ quốc gia nhằm ngăn nguy cơ vỡ nợ của Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, đạo luật này chỉ có hiệu lực đến ngày 3/12, và nếu sau đó hai đảng Dân chủ và Cộng hoà vẫn không đạt thống nhất, “bóng ma” vỡ nợ sẽ quay trở lại Washington DC ngay trước lễ Giáng sinh và năm mới.

PHỐ WALL CHẲNG HỀ LO LẮNG

Thách thức đối với kinh tế toàn cầu nhiều như vậy, nhưng giới đầu tư ở Phố Wall dường như chẳng hề lo lắng. Dù có biến động gần đây, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 18% kể từ đầu năm – một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư thoải mái như thế nào nhờ lượng tiền khổng lồ mà Chính phủ Mỹ đã bơm ra để kích cầu nền kinh tế.

“Đó là 10 nghìn tỷ USD tiền kích thích bằng chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ bơm vào một nền kinh tế 22 nghìn tỷ USD”, ông O’Rourke nhấn mạnh. Tất cả số tiền này đã trung hoà những tín hiệu mà lẽ ra đã khiến nhà đầu tư lo sợ.

“Thanh khoản dồi dào, ai cũng cảm thấy ổn nên chẳng quan tâm nhiều đến tin xấu, ít nhất là vào lúc này. Nhưng khó có chuyện họ sẽ bỏ qua tin xấu mãi mãi”, ông O’Rourke nói. Đó là bởi Fed đang có kế hoạch bắt đầu rút lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo thời đại dịch, nhiều khả năng sẽ cắt giảm chương trình mua tài sản từ tháng tới.

Chuyên đề