Quy hoạch tổng thể quốc gia: Cơ hội chủ động kiến tạo tương lai

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước. Việc xây dựng định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ hội quý để kiến tạo mô hình, phân bổ không gian phát triển quốc gia nhằm đạt các mục tiêu, khát vọng lớn của đất nước.
Xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia để đạt mục tiêu, khát vọng đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Ảnh: Song Lê
Xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia để đạt mục tiêu, khát vọng đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Ảnh: Song Lê

Đây là lần đầu tiên, Quy hoạch tổng thể quốc gia được triển khai lập ở Việt Nam. Theo Luật Quy hoạch (2017), Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Việt Nam cũng đã nghiên cứu, tham khảo, ứng dụng kinh nghiệm của Hàn Quốc và Malaysia để xác định không gian phát triển đất nước gắn với hình thành các trục, hành lang phát triển, phân vùng kinh tế và định hướng bố trí không gian các ngành, lĩnh vực.

Quan điểm, tư tưởng chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần khẳng định, trong giai đoạn đến năm 2030, do nguồn lực phát triển có hạn, cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các lãnh thổ khác cùng phát triển. Cụ thể là tập trung hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, các cực tăng trưởng và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng.

Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm, tập trung phát triển vùng lõi và cực tăng trưởng. Cụ thể, phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tập trung vào vùng lõi là Tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng; phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào vùng lõi là Tứ giác TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó TP.HCM là cực tăng trưởng...

Quy hoạch tập trung hình thành các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng. Ưu tiên hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc - Nam phía Đông; một số hành lang kinh tế Đông - Tây như Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu; Hành lang kinh tế Đông - Tây: Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. “Một trong những quan điểm quan trọng về phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước khi lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 là phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính, các nguồn lực đất nước được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích quốc gia”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Mặt khác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý: “Công tác quy hoạch được ví như là một người công binh mở đường, nếu mở đường thắng lợi thì cuộc chiến sẽ thắng lợi, còn nếu chúng ta làm không tốt sẽ dẫn đến sự thất bại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước”.

Góp ý cho Quy hoạch tổng thể quốc gia Việt Nam, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, Quy hoạch cần định hướng, xác định và hiện thực được tầm nhìn, sự phát triển tương lai của đất nước. Do đó, bản quy hoạch phải dựa trên các phương pháp luận rõ ràng, căn cứ phân tích vững chắc và phải cân bằng được các ưu tiên, mục tiêu phát triển của đất nước.

Bà Carolyn Turk nhấn mạnh, để bảo đảm thành công, Quy hoạch cần phải đưa ra cách thức, giải pháp rõ ràng để đạt được các mục tiêu phát triển không gian. Nói cách khác, Quy hoạch không chỉ được xây dựng tốt mà còn cần phải bảo đảm khả thi và hiệu quả. Điều này đặc biệt quan trọng do nguồn lực tài chính thì có hạn trong khi tham vọng thay đổi sự phát triển không gian của quốc gia lại đòi hỏi những quyết sách cứng rắn khi đưa ra quyết định, ưu tiên nguồn vốn và lựa chọn đầu tư.

Ngoài ra, phải có sẵn khung pháp lý phù hợp để triển khai quy hoạch. Với lựa chọn ưu tiên phát triển không gian xung quanh một số vùng động lực và hành lang kinh tế nhất định thì phải thực hiện một số điều chỉnh cần thiết đối với các khuôn khổ hiện tại, bao gồm pháp lý, ưu đãi và cơ chế thực thi. Điều này sẽ giúp tăng cường sự phối hợp theo chiều dọc và chiều ngang.

Theo kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia, trình Chính phủ xem xét trình Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ tư.

Chuyên đề