Quy hoạch tổng thể quốc gia: Tạo không gian phát triển nhanh, bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quy hoạch tổng thế quốc gia sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030 nhằm bố trí không gian phát triển quốc gia một cách hợp lý dựa trên tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh tại Hội thảo “Tham vấn ý kiến các tổ chức, đơn vị tư vấn quốc tế đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Cấu trúc của hệ thống đô thị trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cần gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế nhằm tạo ra các đầu tàu về tăng trưởng. Ảnh: Tiến Tân
Cấu trúc của hệ thống đô thị trong Quy hoạch tổng thể quốc gia cần gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế nhằm tạo ra các đầu tàu về tăng trưởng. Ảnh: Tiến Tân

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, một trong những quan điểm quan trọng về phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước khi lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 là phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính. Các nguồn lực được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích quốc gia.

Dựa trên tầm nhìn đó, không gian phát triển quốc gia bắt đầu được định hình. Các vùng kinh tế động lực, hành lang kinh tế, trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới hạ tầng kết nối, bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia… bắt đầu được hoạch định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Theo ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hành lang kinh tế sẽ bao gồm hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây, như hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu, hay Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội…

“Về các vùng động lực, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, sẽ lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có cảng hàng không quốc tế cửa ngõ và cảng biển cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, có tiềm lực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các vùng động lực ưu tiên của quốc gia”, ông Trần Hồng Quang cho biết.

Không chỉ vậy, Quy hoạch tổng thể quốc gia cũng sẽ định hướng tổ chức không gian biển, định hướng khai thác và sử dụng vùng trời, cũng như định hướng phân vùng và liên kết vùng một cách rõ ràng.

Theo TS. Phó Đức Tùng, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), phát triển hệ thống đô thị quốc gia là một trong những nội dung quan trọng, bởi hệ thống đô thị là cốt lõi của tăng trưởng kinh tế. Cấu trúc của hệ thống đô thị trong Quy hoạch cần gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế, cần tạo ra sự tập trung theo hành lang, theo vùng trọng điểm để có thể trở thành đầu tàu về tăng trưởng kinh tế.

Với nguyên tắc phát triển đó, ông Tùng gợi ý về định hướng phát triển 2 vùng đô thị trọng điểm. Một là vùng Đồng bằng sông Hồng với trục Hà Nội - Hải Phòng là lõi, mở rộng trên toàn bộ phạm vi các tỉnh đồng bằng, ven biển và trung du Bắc Bộ. Hai là vùng đô thị trọng điểm Nam Bộ với trục TP.HCM - Vũng Tàu làm trung tâm, mở rộng hai cánh ra miền Đông, Nam Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Chuyên gia WB nhấn mạnh, điểm cốt yếu trong phát triển 2 vùng này là phát triển cảng nước sâu với đầy đủ hệ thống hạ tầng hậu cần cảng tại cửa biển và cảng hàng không quốc tế tầm cỡ lớn tại đô thị trung tâm để tăng nội lực của trục trung tâm; tạo kết nối giao thông chiến lược nội vùng… Đồng thời, phát triển trục đô thị xương sống miền Trung tạo thành chuỗi đô thị tầm trung với chiến lược cốt lõi là tạo trục xương sống hạ tầng đa phương thức thật vững chắc và hiệu quả, trên cơ sở đường sắt cao tốc và đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cũng như tuyến đường biển quốc tế trên biển Đông.

Quan tâm về định hướng và tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh vực, TS. Lê Anh Tú, Giám đốc Dịch vụ tư vấn doanh nghiệp Công ty TNHH PwC Việt Nam cho biết, mục tiêu phát triển của Việt Nam hướng tới công nghiệp và nông nghiệp có giá trị cao và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu. Ngoài ra, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ cho tăng trưởng kinh tế có thể cao hơn trong tương lai. PwC cho rằng, việc chuyển đổi sang một quốc gia tập trung vào dịch vụ sẽ cần nhiều thời gian, do đó cần có mục tiêu khác nhau được đặt ra cho các tỉnh, thành phố khác nhau tại Việt Nam. Hiện, một số thành phố lớn đã tập trung nhiều vào phát triển dịch vụ nên các địa phương xung quanh có thể tập trung phát triển công nghiệp với những ngành công nghiệp tiên tiến và có giá trị cao.

“Đồng thời, Việt Nam nên tìm cách phát triển khu vực dịch vụ bằng cách nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng cường cung ứng các dịch vụ tiện ích, song song với công nghiệp và nông nghiệp có giá trị cao như một yếu tố khác biệt để thu hút nhân lực chất lượng cao”, TS. Lê Anh Tú khuyến nghị.

Chuyên đề