Pin năng lượng mặt trời có khả năng bị điều tra tại Hoa Kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này vừa nhận được thông tin về việc ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ đã nộp hồ sơ tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ đề nghị điều tra chống lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với pin năng lượng mặt trời có xuất xứ từ Việt Nam, Malaysia và Thái Lan.

Hàng hóa bị đề nghị điều tra là nhóm các sản phẩm pin năng lượng mặt trời có mã HS 8501.61.0010, 8507.20.80, 8541.40.6015, 8541.40.6025, và 8501.31.8010 (theo hệ thống HS của Hoa Kỳ).

Theo Cục Phòng vệ thương mại, cáo buộc của nguyên đơn cho thấy, các doanh nghiệp tại Việt Nam, Malaysia và Thái Lan nhập khẩu tế bào và mô-đun quang điện silicon từ Trung Quốc để sản xuất pin năng lượng mặt trời xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Nguyên đơn cho rằng hoạt động sản xuất này không tạo ra giá trị gia tăng đáng kể và cần được xem là hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với Trung Quốc.

Hiện mặt hàng pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá từ 15,85 - 238,95% và thuế chống trợ cấp từ 11,97 - 15,24%.

Đồng thời, từ tháng 2/2018, mặt hàng này cũng bị Hoa Kỳ áp dụng biện pháp tự vệ đối với tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Biện pháp tự vệ quy định lượng hạn ngạch nhập khẩu từ tất cả các quốc gia vào Hoa Kỳ là 2,5 gigawatt/năm đối với tế bào quang điện. Nhập khẩu trong hạn ngạch không phải chịu thuế tự vệ nhưng nhập khẩu vượt quá hạn ngạch sẽ phải chịu mức thuế tự vệ từ 15 - 30% tùy thời kỳ. Đối với mô-đun quang điện, Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu bổ sung trong 4 năm (đến tháng 2/2022) với mức thuế bằng mức ngoài hạn ngạch của tế bào quang điện.

Để ứng phó với vụ việc, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất pin năng lượng mặt trời xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ theo dõi sát tình hình để có những biện pháp xử lý kịp thời trong trường hợp Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định khởi xướng điều tra vụ việc.

Chuyên đề